(KTĐT) – Thời gian qua, một cuộc đua phát hành trái phiếu của các DN từ những tên tuổi cũ đến mới, từ phát hành cho nhà đầu tư tổ chức đến cá nhân ngày càng rầm rộ. Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất trái phiếu cũng được các DN đẩy lên khá cao trong khi còn thiếu công cụ bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Công ty CP Kinh doanh F88, một trong những doanh nghiệp thành công trong phát hành trái phiếu. Ảnh: Phan Anh
Chuyển hướng huy động vốn qua kênh trái phiếu
Mới đây, Công ty CP Kinh doanh F88 chính thức công bố kết quả phát hành thành công trái phiếu DN F88 với quy mô 100 tỷ đồng chỉ sau 2 tuần chào bán. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi có kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định và được thanh toán bằng đồng Việt Nam; Tổ chức tư vấn phát hành là Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt. Đối tượng mua trái phiếu của F88 chủ yếu là các tổ chức trong nước và một số nhà đầu tư cá nhân.
Nguyên nhân dẫn đến việc kênh trái phiếu DN trở nên sôi động trong thời gian qua là do chính sách thắt chặt dòng tiền của Ngân hàng Nhà nước vào các kênh rủi ro như bất động sản, chứng khoán… Ngoài ra, ảnh hưởng bởi chu kỳ của ngành xây dựng và bất động sản, cạnh tranh cao, sản phẩm bán ra chậm nên DN bị thiếu hụt dòng tiền đầu tư dự án. Chuyên gia kinh tế Phan Linh – CEO Tổ chức TakeProfit |
Các DN bất động sản cũng đi đầu trong việc thu hút dòng vốn từ kênh này. Cuối quý I/2019, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu DN với mức lãi suất lên đến 14,5%, cao hơn lãi suất trong những đợt phát hành trước đó (12% và 10,5%). Trái phiếu PDR là trái phiếu không chuyển đổi, có bảo đảm bằng tài sản và không kèm chứng quyền. Tương tự, Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) vừa phát hành 450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm, trả lãi 6 tháng/lần.
Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) phát hành riêng lẻ tối đa 470 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo lãnh. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, thời gian phát hành trong tháng 12/2018.
Chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc phát hành nhiều là đúng quy luật, “đúng bài” bởi ngân hàng không thể mãi là nơi cho vay, cung ứng vốn chính cho nền kinh tế, nhất là vốn dài hạn thì phải chuyển sang kênh trái phiếu là đúng. Tín dụng đang đi đúng hướng khi bên cạnh trái phiếu phát triển thì dư nợ ngân hàng cũng đang rất vững mạnh so với trước đây theo chủ trương giảm dần tăng trưởng tín dụng.
Đầu tư trái phiếu nào an toàn?
Ngoài các đợt phát hành trái phiếu lớn (5.000 – 10.000 tỷ đồng) do các nhà đầu tư tổ chức, thời gian qua, các đợt phát hành nhỏ hướng vào đối tượng khách hàng cá nhân cũng đang được các DN triển khai. Theo các chuyên gia, bản chất của mua trái phiếu là cho vay. “Thông thường lãi suất cho vay cao thì kèm theo rủi ro cao. Hiện, DN thường phát hành 2 loại trái phiếu: Trái phiếu có tài sản đảm bảo và không có tài sản đảm bảo. Ví dụ, trái phiếu của DXG và HDG và có trái phiếu được công ty chứng khoán bảo lãnh mua lại. Một số trái phiếu khác thì không. Vì thế, nhà đầu tư thì phải xem bản chất của trái phiếu đó có an toàn không?”- CEO Tổ chức TakeProfit Phan Linh phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Đức thì quy định về trái phiếu đã có nhưng lỏng hơn trước đây, do đó quyền quyết định nằm ở những người tham gia thị trường, các nhà đầu tư. “Lãi suất trái phiếu DN cao là chuyện bình thường. Ví dụ, muốn đi vay vốn ngân hàng với lãi suất đó chưa chắc đã vay được, bình thường lãi suất 6 – 7% nhưng đi cùng với đó là tài sản đảm bảo, uy tín, hạn mức, nhiều yếu tố khác để vay được, thế nên vay tiêu dùng lãi suất ngay lập tức 30 – 50%, lãi suất thẻ tín dụng cũng ở mức rất cao bởi nó gắn liền với rủi ro cao” – Chuyên gia Trương Thanh Đức nhận định.
Đinh Nguyễn
——————
Kinh tế Đô thị (Kinh tế) 14-8-2019:
http://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-ram-ro-phat-hanh-trai-phieu-350059.html
(123/840)