(LĐ) – Cho vay nặng lãi được quảng cáo rầm rộ trên mạng với lãi suất “cắt cổ”. Dưới hình thức các công ty cho vay ngang hàng (P2P lending), những lời quảng cáo “đường mật” như “vay tiền nhanh trong 30 phút mà không cần gặp mặt”, “giải pháp tài chính trong 24 giờ”… một số công ty cho vay trực tuyến với lãi suất 39%/năm.
Giải ngân nhanh, lãi suất cao
Thời gian gần đây, hàng loạt các công ty fintech quảng cáo các ứng dụng trên di động về vay tiền trực tuyến như Zo…, Vay.., Vaytieudung…, SH*…
Chị T.H (Ba Đình, Hà Nội) cần gấp một khoản tiền nên sử dụng app trên di động để vay tiền nhanh. Truy cập vào doctor****.vn, chị được quảng cáo nếu vay 1.000.000 đồng, sau 30 ngày, số tiền chị trả là 1.390.000 đồng (lãi suất hơn 39%/tháng).
Chị Dung (Hà Nội) cần tiền gấp, nhưng ngại ra ngân hàng vì thủ tục lằng nhằng. Chị Dung vào ứng dụng vay tiền trên di động thì được quảng cáo nếu vay theo giấy đăng ký xe máy với số tiền cho vay bằng 50% giá trị xe Lead, chị Dung có thể nhận ngay 15 triệu đồng. Sau thời hạn 30 ngày, chị phải trả cả gốc vã lãi là 17.250.000 đồng, (lãi suất 15%/tháng).
Lãi suất 39%/năm là vi phạm pháp luật
Trao đổi với PV Báo Lao Động, một chuyên gia cho biết ở Việt Nam hiện chưa có hành lang pháp lý cho P2P. Mọi quan hệ cho vay vẫn áp dụng theo Bộ luật Dân sự.
Khi quảng cáo mức lãi suất cho vay 39%/năm, chiếu theo Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì doanh nghiệp cho vay trực tuyến đã vi phạm pháp luật về lãi suất. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Thêm vào đó, Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định lãi suất cho vay gấp 5 lần mức lãi suất mà Luật Dân sự 2015 quy định thì bên cho vay đã cấu thành tội cho vay nặng lãi và sẽ bị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trả lời PV Báo Lao Động, luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho rằng “Rủi ro lớn nhất của mô hình P2P là lãi suất cao và nếu không trả nợ đúng hạn sẽ chịu sức ép lớn khi bị đòi nợ. Nếu các công ty P2P chỉ đơn giản là môi giới, kết nối giữa người vay và người cho vay, thì khi rắc rối xảy ra, trách nhiệm hoàn toàn do hai bên tự giải quyết.
Nhưng nếu công ty P2P tổ chức huy động vốn cho vay thì sẽ vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng. Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng mới được huy động và cho vay vốn. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật”.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng “Mô hình này nhiều rủi ro, không nên khuyến khích nhân rộng ở Việt Nam khi chưa có hành lang pháp lý”.
Về quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là không thể tránh khỏi, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính thì xu hướng phát triển của công ty fintech. Theo kinh nghiệm quốc tế, NHNN nhận thấy ban đầu các hoạt động P2P lending ở các nước đều không quản lý và sau đó mới đưa vào khuôn khổ quản lý. NHNN nhận thấy cần thiết có khuôn khổ pháp lý cho hình thức P2P lending. Dự thảo cho thấy trước khi tiến đến ban hành khuôn khổ pháp lý thì cần có mô hình thí điểm, qua đó mới đánh giá cụ thể vì đây là lĩnh vực rất mới”.
——————
Lao động (Kinh doanh) 14-09-2018:
(179/145)