(IFM) – Vốn khủng đổ vào cho vay cầm đồ
Bùng nổ cho vay cầm đồ, lãi suất không khác tín dụng đen
Chị N.M, một khách hàng của Đồng Shop Sun cho biết: “Tôi vay 10 triệu đồng cầm cố cà vẹt (đăng ký xe máy) tại Đồng Shop Sun trong 12 tháng, mỗi tháng trả nợ 1 triệu đồng (tức 10%/tháng, tương đương 120%/năm). Trong vòng một năm, tôi phải trả 12 triệu đồng tiền lãi, trong khi tiền gốc hầu như vẫn còn nguyên. Lãi suất không khác gì tín dụng đen”.
Hiện có hàng chục ngàn cơ sở kinh doanh cầm đồ đang hoạt động trên cả nước. Ảnh: Báo Đầu tư |
Dong Shop Sun có 43 điểm giao dịch trên cả nước, tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, An Giang, Cần Thơ, Bình Dương. Tên trang web của Công ty, lãi suất cho vay được quảng cáo từ 0,85%/tháng, nếu khách hàng muốn vay 10 triệu đồng thì mỗi tháng chỉ trả góp 335.000 đồng, hoàn trả trong 40 tháng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho biết, lãi suất thực tế (tính cả các loại phí) của Công ty cao hơn lãi suất quảng cáo cả chục lần.
Tương tự, nhiều khách hàng của hệ thống cầm đồ F88 cho hay, lãi suất mà công ty này công bố chỉ là 1,1%/tháng, nhưng cộng với phí thẩm định (1,4%), phí quản lý tài sản (5,6%), thì lãi suất lên tới 9,2%/tháng. Chưa kể, khách hàng muốn được giải ngân còn phải mua bảo hiểm.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, lãi suất của các tiệm cầm đồ thường dao động ở mức 3.000 đồng/triệu đồng/ngày (tức 9%/tháng) đến 3%/tuần (12%/tháng), tức xấp xỉ 100 -150%/năm. Cá biệt có những cơ sở cầm đồ cho vay với lãi suất trên 300%/năm.
Cách đây không lâu, Công an huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã phát hiện và khởi tố chủ tiệm cầm đồ Minh Lương cho vay cầm đồ với lãi suất 10.000 đồng/triệu đồng/ngày (tương đương 30%/tháng, tức 360%/năm). Hay tháng 6/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Hưng Yên cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 3 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Lãi suất mà các đối tượng này cho vay từ 4.000 đồng đến 7.000 đồng/triệu đồng/ngày (12%/tháng đến 21%/tháng).
Với lãi suất cho vay siêu lợi nhuận, dễ hiểu vì sao các tiệm cầm đồ mọc lên như nấm sau mưa. Được biết, tại Hà Nội, số cơ sở kinh doanh cầm đồ lên tới trên 1.000. Còn trên cả nước, hàng chục ngàn cơ sở kinh doanh cầm đồ đang hoạt động.
Vốn khủng đổ vào cho vay cầm đồ
Thực chất, dịch vụ cầm đồ là cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, trong khi điều kiện thành lập công ty tài chính tiêu dùng rất khắt khe, thì điều kiện thành lập cơ sở cầm đồ lại dễ dàng hơn nhiều. Đây là lý do khiến các cơ sở cho vay cầm đồ mọc lên nhan nhản khắp các phố phường. Đặc biệt, ngày càng xuất hiện các mô hình cho vay cầm đồ theo chuỗi, hoạt động bài bản như Đồng Shop Sun, F88, Nhật Tảo, Song Hùng, Viet Money, Camdonhanh…
Nhờ hoạt động mang lại siêu lợi nhuận, lĩnh vực cầm đồ ngày càng thu hút vốn đầu tư. Mới đây, F88 đã bán sạch 100 tỷ đồng trái phiếu cho các nhà đầu tư. Trước đó, hàng loạt nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào các chuỗi cầm đồ tại Việt Nam. Chẳng hạn, Mekong Capital và Granite Oak đầu tư vốn vào F88, Quỹ đầu tư John Galt Ventures (Mỹ) đầu tư vào mô hình cầm đồ trực tuyến Camdonhanh.vn, nhà đầu tư Thái Lan Srisawad Corporation mở “tiệm cầm đồ” tại nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường, nhu cầu vay tiêu dùng ở Việt Nam, đặc biệt là nhu cầu vay tiền mặt vẫn rất lớn. Hoạt động cho vay cầm đồ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của một bộ phận người dân trong xã hội, nhất là nhu cầu tài chính gấp gáp, món vay nhỏ. Tuy vậy, việc quản lý lỏng lẻo khiến các công ty cầm đồ lách luật, biến tướng ngày một nhiều.
Dù vậy, các luật sư cho rằng, rất khó căn cứ vào lãi suất để khép các tiềm cầm đồ vào tội danh “cho vay nặng lãi”, vì lãi suất được ghi trong hợp đồng cầm đồ rất thấp (trong khi các loại phí rất cao).
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, ngoài việc quản lý các hiệu cầm đồ còn lỏng lẻo, cũng phải nhìn nhận là, bản thân mô hình này đang thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, công bằng. Cụ thể, công ty cầm đồ hoạt động theo Luật Dân sự, nên cho vay quá 20%/năm là phạm luật, còn công ty tài chính, ngân hàng cho vay theo Luật Các tổ chức tín dụng, nên lãi vay 200%/năm vẫn được phép, nên việc dẫn chiếu quy định này để xử phạt khiến nhiều tiệm cầm đồ không phục, dẫn tới lách luật.
“Chính sách như vậy là thiếu đồng bộ, luôn đặt công ty cầm đồ vào tình trạng bất hợp pháp”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định.
Các chuyên gia cũng cho rằng, phải chấn chỉnh hoạt động thu nợ của các công ty cầm đồ. Hiện nay, do cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng, thường vượt quá khá năng trả nợ của các con nợ, các cơ sở cầm đồ thường sử dụng đội quân thu nợ xã hội đen, trấn áp và khủng bố con nợ, thậm chí nhiều vụ án mạng liên quan tới cho vay cầm đồ đã xảy ra.
Hà Tâm
——————
Infomoney (Tài chính) 07-9-2019
(142/1.136)