2.337. Dịch vụ đòi nợ thuê: Để hay cấm?

(PL) – Mới đây, TP.HCM lại kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh hoặc quy định chặt chẽ. Lý do là một số đối tượng núp bóng, câu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng nhóm xã hội gây phức tạp về an ninh trật tự.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (ảnh), cho rằng: “Kiến nghị của TP.HCM có lẽ xuất phát từ thực tế. Ở đó có những biến tướng mà cơ quan nhà nước không quản lý được”.

Điển hình của việc “quản không được thì cấm”

Phóng viênThưa ông, đòi nợ hay thu hồi nợ là điều gì đó quá kinh khủng đến nỗi phải cấm hay không?

Dịch vụ đòi nợ thuê: Để hay cấm? ảnh 1
TS Nguyễn Đình Cung

+ TS Nguyễn Đình Cung: Nếu hiểu một cách thuần túy thì kinh doanh dịch vụ đòi nợ là dùng các công cụ pháp luật để giúp các bên nợ nần hiểu ra và trả nợ cho nhau.

Đương nhiên chúng ta biết trao đổi, thỏa thuận hay có trung gian đòi nợ không hẳn là một bên sẽ đòi được tất cả nợ nhưng điều này sẽ tránh được việc các bên đưa nhau ra tòa hoặc doanh nghiệp (DN) phải đệ đơn phá sản.

Không thanh toán được nợ đối với một DN là dấu hiệu rơi vào phá sản; còn với người dân, không trả được nợ là dấu hiệu của làm ăn thất bại. Đương nhiên cũng có tình trạng chây ì.

. Vậy đòi nợ thuê hay dịch vụ thu hồi nợ nên được hiểu thế nào?

+ Có thể hiểu nó giống như phương pháp “giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực” để đòi nợ. Còn khi một bên đã sử dụng vũ lực để đòi nợ thì nó lại là một vấn đề khác. Khi đã đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực để xâm phạm thân thể, tính mạng, tài sản, chỗ ở… của người dân để đòi nợ thì những biểu hiện ấy phải được xử lý bằng hình sự. Tạt sơn, ném chất bẩn, đe dọa, uy hiếp tinh thần những người thân thích, có liên quan đến con nợ như từng thấy ở TP.HCM khi được xử lý thì tình hình sẽ khác.

. Như vậy phải chăng chúng ta cần có cái nhìn rạch ròi về vấn đề đòi nợ thuê hay thu hồi nợ?

+ Trong quản lý, dường như chưa có sự phân biệt được thế nào là dịch vụ đòi nợ và việc dùng các giải pháp vũ lực đe dọa tính mạng, tài sản của người khác để đòi nợ. Một khi dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực nhằm tổn hại đến thân thể, tinh thần và tài sản của người dân để gây áp lực đòi nợ thì đó không còn là quan hệ dân sự bình thường.

Vì không phân biệt được vấn đề trên nên cơ quan có thẩm quyền không quản lý được dịch vụ đòi nợ. Đương nhiên việc không quản lý được còn có nhiều nguyên nhân khác nhưng nếu cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì đây chính là điển hình cho tư duy “không quản được thì cấm”.

Phải xem xét bản chất

. Như ông nói thì những lý do để kiến nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ dường như không xuất phát từ dịch vụ này?

+ Bản thân dịch vụ đòi nợ không có lỗi. Xét cho đến cùng, nó cũng là một loại dịch vụ như các một dịch vụ khác, trong đó một bên trung gian đứng ra để các bên có nợ nần nhau thỏa thuận, tìm ra một phương án giải quyết nợ nần tại thời điểm đó một cách tốt nhất.

Trong cơ chế thị trường, việc thu hồi nợ, xử lý nợ là rất bình thường. Tôi có thể mua một khoản nợ 100 đồng và có thể bán lại. Lỗ hay lời lại là chuyện khác. Thậm chí có khi cho vay 500 triệu đồng mà chỉ thu được 100 triệu đồng cũng đã là phương án tốt nhất tại một thời điểm.

. Nhưng những bất ổn từ các công ty đòi nợ thuê, công ty xử lý nợ… là có thật?

+ Chúng ta phải nhìn nhận xem những bất ổn đó bản chất là gì mới có thể xem xét thấu đáo.

Đến thời điểm này, đã có thể khẳng định là có đủ thời gian dài để tổng kết hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Từ việc tổng kết đó mới tìm ra được nguyên nhân phát sinh những biến tướng và tìm ra cách quản lý tốt nhất. Không thể vì những biến tướng điển hình của kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà cấm một dịch vụ bình thường.

Xét ra Nhà nước đủ công cụ, lực lượng để quản lý và triệt tiêu những biến tướng. Có thể lấy ví dụ là vụ phở Hòa ở TP.HCM, khi cơ quan công an vào cuộc thì những biến tướng của dịch vụ đòi nợ được xử lý ngay.

. Và những biến tướng đó hình như không phải là điều cá biệt ở mọi lĩnh vực?

+ Cuộc sống bao giờ cũng có những biến tướng do không phải ai cũng tuân thủ những quy định mà pháp luật đặt ra. Bất kể một lĩnh vực nào cũng luôn có một nhóm người sai phạm… Đó là hiện tượng tự nhiên của cuộc sống. Và điều đó mới là nguyên nhân xã hội cần có nhà nước.

Một nhà nước hiệu quả, có sức mạnh, liêm khiết mới thúc đẩy một xã hội tốt, giảm các biến tướng. Nếu cứ không quản được thì cấm, vậy vai trò nhà nước ở đâu? Chúng ta vẫn xử phạt những người vượt đèn đỏ nhưng nếu vì có nhiều người vượt đèn đỏ mà cấm dân… đi đường thì có được không?

Dịch vụ đòi nợ thuê: Để hay cấm? ảnh 2
Chiều 15-4, những người mặc áo đen, đầu trọc của một công ty thu hồi nợ đến nhà một người dân ở quận 3, TP.HCM đòi nợ khiến cả khu phố nhốn nháo. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Không nên cấm

. Nhưng đề xuất đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh cũng có lý do từ thực tế, thưa ông?

+ Trong cuộc sống, thực tế người dân, doanh nghiệp và Nhà nước vẫn phải vay nợ lẫn nhau. Có những chủ thể không trả được nợ hoặc tại một thời điểm chưa thể trả nợ hoặc chây ì không muốn trả nợ cũng là một thực tế. Và vì vậy, cũng từ thực tế chúng ta thấy dịch vụ đòi nợ là một nhu cầu của xã hội. Tôi cho rằng nếu cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì thậm chí nó còn biến tướng nhiều hơn.

Cấm một dịch vụ mà xã hội có nhu cầu thể hiện sự thoái thác trách nhiệm. Trong hoạt động kinh doanh và đời sống, sẽ vẫn có sự vay mượn nhau. Nó giống như tín dụng đen, cấm hay quản chặt thì tín dụng đen cũng vẫn xảy ra bởi tín dụng đen xét ra là một biến tướng của tín dụng phi chính thức.

. Có ý kiến cho rằng cái tên “dịch vụ đòi nợ” tạo cho xã hội cũng như cơ quan quản lý nhà nước ấn tượng không tốt, nhất là khi có quá nhiều biến tướng của dịch vụ này?

+ Có thể cái tên “dịch vụ đòi nợ” có phần phản cảm. Tên gọi ngành nghề như vậy thể hiện “bạo lực” chăng? Tôi nghĩ có thể đổi tên ngành nghề này thành “dịch vụ xử lý nợ” chẳng hạn.

Vì xét cho đến cùng, đòi nợ thực ra là xử lý nợ. Nợ là thứ luôn tồn tại trong cuộc sống, ngay cả trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân, các tổ chức… Bởi vậy mà NHNN hay các tổ chức tín dụng cũng phải có những công ty, bộ phận xử lý nợ, thu hồi nợ.

Mà cũng thực tế cho thấy kinh doanh có nhiều rủi ro mà trong đó có cả tình trạng “mất trắng”. Ngay cả thuế, một món nợ của công dân với Nhà nước, còn có thể “mất trắng” khi Bộ Tài chính đã nhiều lần kiến nghị xóa nợ thuế đối với những khoản thuế khó đòi.

. Nhưng trong trường hợp nếu dịch vụ đòi nợ bị cấm khi kỳ họp Quốc hội tới đây thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, ông nghĩ điều gì sẽ xảy ra?

+ Như tôi đã nói, nếu xét bản chất thì dịch vụ đòi nợ chính là “xử lý nợ” và là nhu cầu tất yếu của xã hội. Bản thân Chính phủ cũng phải lập ra các công ty xử lý nợ xấu như kiểu như VAMC chẳng hạn. Và dịch vụ đòi nợ về bản chất không phải là đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực để đòi nợ.

Còn việc đòi nợ mà kiểu bặm trợn, mang sơn, phân tạt vào nhà, cửa hàng, sử dụng công cụ như dao kiếm…, nói chung là các hoạt động “côn đồ” thì phải xử lý hình sự.

Tôi nghĩ nếu Chính phủ muốn đưa “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục cấm thì đương nhiên những hoạt động của các công ty xử lý nợ hiện có cũng bị ảnh hưởng. Mặt khác, hiện nay dịch vụ đòi nợ đã có tới hơn 200 doanh nghiệp hoạt động thì cần phải đánh giá tác động.

Nhưng lưu ý rằng cuộc sống thì luôn phải vay trả trả vay, làm sao có thể ngăn được?

. Xin cám ơn ông.

Giữ nhưng cần sửa quy định

Nếu cấm thì… cấm tất

Không phủ nhận dịch vụ đòi nợ thuê đang phát sinh nhiều yếu tố tiêu cực nhưng ngành nghề kinh doanh nào cũng có những mặt trái. Ví dụ như karaoke, massage, vũ trường… cũng có mại dâm trá hình, sử dụng ma túy. Cầm đồ thì có thể tiêu thụ tài sản phạm pháp, lãi suất cũng có vi phạm. Nếu nói phức tạp, tiêu cực mà cấm thì rất nhiều ngành nghề tới đây cũng phải cấm. Cái gì cuộc sống cần thì phải để nó phát triển.

Vấn đề cơ quan quản lý phải “để mắt” đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, được gọi là đòi nợ thuê hay thu hồi nợ, xử lý nợ… Cần phải phát hiện, xử lý kịp thời những biến tướng, sai phạm mang tính chất côn đồ như tạt sơn, mắm tôm, đe dọa tính mạng, tài sản, uy hiếp tinh thần, xâm phạm chỗ ở hợp pháp…

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể sẽ làm cho chủ nợ cảm thấy không được bảo vệ trong khi các thiết chế khác thì chưa thật thuận lợi. Đơn cử như một vụ việc kiện ra tòa để đòi nợ có khi mất vài năm. Báo cáo của VCCI nói trung bình một vụ kiện tranh chấp hợp đồng đã lên tới hơn 400 ngày. Đấy là chưa kể án phí, phí thi hành án…

Tôi cho rằng bên cạnh việc sửa đổi các quy định theo hướng chặt chẽ hơn thì cần phải xử lý nghiêm những hành vi xâm phạm đến an toàn, tính mạng, tài sản của người dân một cách kịp thời với chế tài thật nặng. Bởi quản lý thực chất là quản lý hành vi chứ không phải cứ “không quản được thì cấm”.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨCTrung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Doanh nghiệp vẫn phải dùng “xã hội đen” đòi nợ

Tỉ lệ doanh nghiệp khởi kiện khi có tranh chấp với đối tác đang giảm dần theo từng năm và cũng là thể hiện tình trạng doanh nghiệp chưa đủ niềm tin vào hệ thống tư pháp.

Doanh nghiệp “ngại” kiện ra tòa là bởi thời gian kéo dài, chi phí cao, tình trạng “chạy án” còn diễn ra phổ biến. Trong trường hợp không khởi kiện, các doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp khác trọng tài thương mại, nhờ cán bộ nhà nước tác động, đưa ra báo chí, thậm chí là sử dụng “xã hội đen”.

Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng các nhóm biện pháp phi chính thức, thậm chí các băng, nhóm “xã hội đen” chỉ khoảng 3,2% và 19% sử dụng các phương thức khác không chính thức bên ngoài xã hội.

Tuy nhiên, phương thức thực thi bên ngoài xã hội này thường gây tốn kém rất lớn cho doanh nghiệp.

Ông ĐẬU ANH TUẤNTrưởng ban Pháp chế VCCI, phát biểu trong hội thảo năm 2018 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp

Dịch vụ đòi nợ thuê: Để hay cấm? ảnh 3
Ngày 6-4, nhóm người của công ty đòi nợ tại TP.HCM bị con nợ ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đánh gục trong nhà. Ảnh: ĐH

Cần tăng nặng mức xử phạt

Đến nay chưa có đánh giá cụ thể để so sánh về tính hiệu quả trong hoạt động thu hồi nợ theo biện pháp tố tụng tại tòa và thu hồi nợ thông qua dịch vụ đòi nợ thuê.

Một vụ tranh chấp nợ tại tòa thường kéo dài hàng năm, chưa kể là nếu con nợ am hiểu pháp luật, cố tình chây ì, trì hoãn việc trả nợ nhằm chiếm dụng vốn thì không biết đến khi nào mới xong.

Thực tế có những vụ sau khi có bản án, quyết định của tòa thì con nợ không còn khả năng trả. Muốn thu hồi nợ nhanh thì dịch vụ đòi nợ thuê là giải pháp được các chủ nợ lựa chọn.

Pháp luật hiện hành quy định tương đối rõ ràng về loại hình dịch vụ này, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới (Nghị định 104/2007, Thông tư 110/2007).

Để hạn chế những hành vi biến tướng từ dịch vụ đòi nợ thuê, cần xem lại tiêu chí người đại diện theo pháp luật, phạm vi và trình tự thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê (cấm thị uy, đe dọa hoặc hành vi khác uy hiếp con nợ…); tăng mức chế tài với công ty và người đứng đầu nếu vi phạm…

Luật sư TẠ MINH TRÌNHĐoàn Luật sư TP.HCM

Cần sửa nhiều quy định

Thực tiễn hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê phát sinh một số hạn chế nhất định nhưng không thể vì một số trường hợp cá biệt mà đề xuất cấm ngành nghề này vì cơ bản là ngành nghề cần thiết cho xã hội.

Không nên quy định cấm loại hình kinh doanh này vì dịch vụ đòi nợ thuê thực chất là một quan hệ chuyển giao quyền trong pháp luật dân sự. Nếu cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ dẫn đến triệt tiêu quyền chuyển quyền yêu cầu vốn được thừa nhận rộng rãi và từ lâu đời với tư cách là một chế định của pháp luật dân sự, vô hình trung xóa bỏ một phương thức đòi nợ đã vận hành từ lâu trong xã hội, hạn chế việc đa dạng hóa các cách thức thu hồi nợ và sự lựa chọn của các chủ nợ.

Tuy nhiên, để hoạt động này được thực hiện hiệu quả hơn, hạn chế những tiêu cực phát sinh thì quy định pháp luật về hoạt động này cần thể hiện rõ: Cấm thực hiện hoạt động đòi nợ tại nơi làm việc, nơi công cộng, ngày nghỉ lễ hay dịp tết; đồng thời cần quy định số lượng cuộc gọi mà công ty đòi nợ thực hiện trong một ngày, cách hai bên gặp mặt, cách tiếp xúc, số lượng tối đa nhân viên đòi nợ xuất hiện nhằm tránh tình trạng tụ tập đông người, đe dọa tinh thần khách nợ và gây mất an ninh trật tự…

Về mặt quản lý, Nghị định 104/2007 chưa quy định về trách nhiệm Bộ Công an trong việc quản lý và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Do vậy cần quy định cụ thể hơn thẩm quyền của lực lượng công an về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này…

ThS TRẦN THANH THẢOgiảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

——————

Pháp luật TP HCM (Thời sự) 09-9-2019:

https://plo.vn/thoi-su/dich-vu-doi-no-thue-de-hay-cam-856991.html

(327/2.906)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,931