Đòi nợ hợp pháp bị biến tướng
Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hợp pháp tại Việt Nam, được quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó, những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ, thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, trên địa bàn TP có 67 công ty thu hồi nợ, trong đó 46 công ty được cấp giấy phép. Song điều đáng lo ngại là tình trạng nhân viên thu hồi nợ chủ yếu là thành phần xăm trổ, nói năng, hành xử mang tính côn đồ, gây sức ép đe dọa tinh thần khiến con nợ và người thân của họ hoảng sợ.
Từ vụ phở Hòa Pasteur bị ném chất bẩn mới đây, Thượng tá Nam cho biết tất cả công ty thu hồi nợ khi đi vào hoạt động đều sai nguyên tắc, sai với giấy phép quy định đăng ký nhân viên thu hồi nợ.
Thực tế cho thấy, những hành vi đòi nợ của cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay chẳng khác gì các dịch vụ đòi nợ của tín dụng đen. Đó là các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ và cá nhân liên quan khác.
Họ sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới khách nợ, như nhắn tin gọi điện quấy rầy dai dẳng, lời lẽ hăm dọa đến người thân, họ hàng, đồng nghiệp, người quen của con nợ, gây áp lực phải trả nợ. Thực trạng này gây những phản cảm, bất an cho xã hội, ảnh hưởng đến danh tiếng của các CTTC ủy quyền.
Khi được hỏi về cách chọn đối tác thu hồi nợ chuyên nghiệp, trưởng phòng nghiệp vụ một CTTC nói: “Trước khi ký hợp đồng hợp tác, chúng tôi phải thẩm định xem đối tác có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ không, quy trình/phương pháp đòi nợ thế nào, có phần mềm để quản lý các thông tin kế toán, thống kê, kiểm toán, báo cáo theo quy định của pháp luật không…
Hợp đồng ủy quyền của chúng tôi phải có các điều khoản rõ ràng về việc không chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật, theo đúng quyền hạn của chủ nợ đã được quy định tại Phần 9, Điều 8 của Nghị định 104”.
Giải pháp nào cho đòi nợ thuê?
Ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ là cần thiết cho xã hội, đặc biệt đối với các TCTD, và họ có đóng thuế cho Nhà nước. Do vậy, quan trọng là cơ quan chức năng phải để mắt đến để xử lý kịp thời, đặc biệt là công ty đòi nợ biến tướng. LS. Trương Thanh Đức, |
Vì những tiêu cực diễn ra thời gian qua của hoạt động đòi nợ thuê, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư đang lấy ý kiến, có nội dung đưa ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Nhưng theo nhiều chuyên gia, không nên làm luật theo kiểu “không quản được thì cấm”.
LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Ngành kinh doanh nào cũng có những hạn chế nhất định và ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng vậy. Trước tiên phải khẳng định, ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ là cần thiết cho xã hội, đặc biệt cần thiết đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), sử dụng nó để đòi nợ hợp pháp và có đóng thuế cho Nhà nước”.
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp thuê dịch vụ đòi nợ đạt hiệu quả tới 90%. Trong khi đó, nếu khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án, hiệu quả chỉ khoảng 50%. Đây là nhu cầu xuất phát từ thị trường và tính hiệu quả của ngành kinh doanh đòi nợ.
Đối với các NH và CTTC, dù theo Nghị định 104 họ không chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật, nhưng cũng cần bảo vệ mình khi chọn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để ủy quyền. Bởi khi các doanh nghiệp này vi phạm pháp luật, chủ nợ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, hình ảnh của chủ nợ trước khách hàng hiện hữu và tiềm năng cũng bị xấu đi.
Về các giải pháp lâu dài, theo LS. Đức, đòi nợ thuê theo kiểu tín dụng đen đặt ra vấn đề phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với những hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Trách nhiệm này của các bộ và của UBND tỉnh, TP đã được quy định rõ tại Nghị định 104. Đồng thời, phải sớm xây dựng được hệ thống thu nợ chính thống, hỗ trợ đòi nợ cho các TCTD, xây dựng thị trường mua bán nợ tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD bán nợ.
Trí Dũng
——————
Sài Gòn Đầu tư tài chính (Tài chính) 10-9-2019:
http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/dich-vu-doi-no-da-co-luat-nen-quan-chat-72028.html
(219/1.130)