Dự án BRT từ lâu đã được cảnh báo vướng nhiều sai phạm. Ảnh: Dương Hưng. |
Cần làm rõ hơn 42 tỷ đồng
Chiều 26/9, PV Tiền Phong liên lạc với lãnh đạo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình Giao thông Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) về kết luận Thanh tra Chính phủ, vị này nói rằng vẫn chưa nhận được kết quả chính thức. Khi được hỏi, số tiền một Cty được cho là hưởng chênh lệnh hơn 42 tỷ đồng từ dự án trên là thế nào, vị này nói: “Chúng tôi đã có giải trình rõ với Thanh tra Chính phủ khi họ đến làm việc”. Trước hàng loạt câu hỏi, Cty trên là ai, có phải đại lý cấp 1 của đơn vị bán xe và có năng lực vận hành BRT…, vị này nói, chờ kết luận chính thức đã.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc Cty trên bán xe buýt cho chủ đầu tư và nếu được kết luận hưởng số tiền chênh hàng chục tỷ đồng là chuyện vô lý và thể hiện rõ sự bắt tay giữa chủ đầu tư và các đơn vị thi công. “Không thể nào giá bán xe lại có thể đội cao lên thế được, trong khi loại xe này chỉ lắp đặt, mua bán trong nước và giá cả rất rõ ràng. Đây là biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực, chứ không thể nói là do vô hiệu hóa hợp đồng hay thông tư gì cả….”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, luật đấu thầu đang tồn tại nhiều kẽ hở dẫn tới nhiều đơn vị lợi dụng để kiếm chác. Thông qua việc được phép điều chỉnh gói thầu, giá thầu, chủ đầu tư có thể tự ý điều chỉnh giá thầu trong hợp đồng để hưởng chênh lệch. Bên cạnh đó, việc lách hợp đồng bằng các phụ lục bổ sung, gói thầu riêng có thể tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia hợp thức hóa những tiêu cực. Điều đó cũng thấy rõ trong dự án BRT khi chủ đầu tư tiến hành bổ sung các thiết bị vào gói thầu với tổng giá trị 17,68 tỷ đồng mà không qua tổ chức đấu thầu, chỉ ký phụ lục hợp đồng bổ sung.
Ông Đức cho rằng, ngay từ lúc đầu, dự án đã bộc lộ những bất cập như xây dựng lại đường khi không cần thiết, hiệu suất khai thác kém hiệu quả… Khi sai phạm, tiêu cực xảy ra, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Đặc biệt, trong dự án này có dấu hiệu tham nhũng, cơ quan chức năng cần phải xác minh vấn đề này, nếu có phải khởi tố điều tra.
Đồng tình ý kiến trên, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng, cơ quan chức năng cần chỉ rõ trách nhiệm của những người đứng đầu, không để những sai phạm chìm xuồng. Tình trạng gian lận, “đi đêm” trong đấu thầu dẫn đến thất thoát tiền và tài sản quốc gia. Đây thực chất là hành vi tham nhũng.
Cảnh báo sớm
Cách đây 2 năm, Tiền Phong từng có loạt bài “Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ vỡ trận” cảnh báo những sai phạm tại dự án này. Loạt bài đã chỉ rõ nhiều bất cập. Nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An lúc đó nói: “Số tiền hàng nghìn tỷ đồng của dự án là công sức của dân đóng góp, mồ hôi nước mắt của dân; dù có vay nước ngoài, đời con cháu phải trả. Không thể trả lời đơn giản làm xong rồi không chạy được vì ùn tắc. Bây giờ phải làm rõ nguyên nhân, xử lý đến cùng, giải quyết tận gốc. Có như vậy mới không ai dám đưa ra những dự án thiếu khả thi, tiêu tốn đến hàng nghìn tỷ đồng. Nước đã nghèo như thế này rồi mà cứ để như thế là không được”.
Khi PV thực hiện loạt bài truy vấn trách nhiệm của người liên quan, hỏi tới ông Trần Anh Tú – nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (nay sáp nhập và đổi tên như trên), vị này có hành vi thiếu chuẩn mực. Vì hành vi này, ông Tú bị dư luận và cơ quan chủ quản lên án. Vị này đã phải tới trụ sở Tiền Phong xin lỗi.
Nhiều báo dẫn lại kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai phạm trong dự án BRT. Trong đó có việc một trong hai liên danh cung cấp xe buýt cho chủ đầu tư (cung cấp, lắp đặt thiết bị, vận hành đào tạo và chuyển giao công nghệ), ngoài số tiền theo hợp đồng, còn được hưởng hơn 42 tỷ đồng số tiền chênh lệch giữa giá xuất bán xe để công ty này xuất bán cho chủ đầu tư theo hợp đồng.
——————
Tiền phong (Nhịp sống thủ đô) 27-09-2018:
Buýt nhanh Hà Nội: Còn sai phạm gì nữa? (tienphong.vn)
(332/928)