2.341. Lợi và hại từ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm

(TBTC) – Dù mang lại những lợi ích nhất định cho người đi vay và cả ngân hàng, song hình thức cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm cũng có những rủi ro nhất định cho cả người gửi tiền và ngân hàng. Do đó, kiểm soát chặt chẽ hình thức cho vay này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

so

Hiện tượng cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn không quá xa lạ đối với nhiều người đang gửi tiền tại các ngân hàng.

Yêu cầu kiểm soát chặt chẽ khoản vay

“Bạn có tài khoản tiết kiệm online tại ngân hàng nhưng chưa đến hạn tất toán? Bạn không muốn mất đi khoản lãi vay ưu đãi của số tiền tiết kiệm này nhưng lại đang cần gấp một khoản tiền để chi tiêu ngắn hạn? Hãy sử dụng sản phẩm vay thấu chi cầm cố tài khoản tiết kiệm online của ngân hàng để vừa có ngay khoản chi tiêu ngắn hạn lại bảo toàn được khoản lãi tiết kiệm”. Đó là một trong các cách chào mời người có tài khoản tiết kiệm vay cầm cố tại ngân hàng. Hình thức cho vay này được các ngân hàng áp dụng rất linh hoạt về hạn mức, thời hạn vay, phương thức trả nợ và thuận tiện cho người vay.

Lợi ích của người vay là vẫn bảo toàn được lãi suất ưu đãi sổ tiết kiệm, giải ngân nhanh chóng và linh hoạt hình thức rút tiền. Xét về mặt lãi suất, người đi vay có tài khoản tiết kiệm chưa đến hạn tất toán mà lại muốn có tiền phục vụ nhu cầu trước mắt, nếu rút tiền tiết kiệm trước hạn thì họ sẽ chỉ hưởng lãi suất không kỳ hạn rất thấp. Thay vào đó, họ có thể vay bằng cách cầm cố sổ tiết kiệm trong thời gian chờ tất toán, lãi suất vay có thể cao hơn lãi suất tiết kiệm nhưng bù trừ với phần lãi của sổ tiết kiệm cuối kỳ thì vẫn lợi hơn. Về phía ngân hàng, sổ tiết kiệm là dạng tài sản đảm bảo có hiệu quả cao nếu quy trình cho vay được làm chặt chẽ, đặc biệt phải xác minh đúng nhân thân người đi vay.Một số điều kiện vay vốn theo Điều 7, Thông tư 39/2016/TT-NHNN

– Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

– Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.

– Có phương án sử dụng vốn khả thi.

– Có khả năng tài chính để trả nợ.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vụ việc về làm giả sổ tiết kiệm để vay cầm cố đã bị cơ quan công an khởi tố và xử lý. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, việc cho vay bằng sổ tiết kiệm để tăng dư nợ tín dụng một cách không thực chất cũng có thể thực hiện được khi ngân hàng hoặc các chi nhánh của ngân hàng muốn hoàn thành chỉ tiêu, làm đẹp sổ sách ở những giai đoạn nhất định.

Liên quan vấn đề này, trong báo cáo Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 toàn ngành Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục để xảy ra các hành vi vi phạm đã được cảnh báo, đặc biệt là các ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có mục đích sử dụng vốn hoặc mục đích sử dụng vốn không hợp pháp.

Mới đây, ngày 6/9, NHNN tiếp tục có công văn số 7031/NHNN-TTGSNH gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cơ quan này cho biết, có hiện tượng một số TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Điều 7, Thông tư 39/2016/TT-NHNN, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

Để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm. NHNN sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm; chủ động xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.

Các TCTD phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ, bao gồm cả quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Các TCTD phải kịp thời báo cáo cơ quan thanh tra giám sát NHNN và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố những trường hợp vi phạm; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn hoạt động.

Động thái nhắc nhở cần thiết

Chia sẻ quan điểm về văn bản này của NHNN, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng: “Nội dung văn bản mang tính nhắc nhở các TCTD về hai khía cạnh. Trước hết là cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng muốn hoạt động tín dụng có tính thực chất, được phản ánh đúng trên các báo cáo tín dụng của ngân hàng. Theo tôi, để thực hiện điều này, ngân hàng nên thể hiện rõ phần cho vay này trong tổng dư nợ tín dụng để đánh giá đúng tín dụng. Bên cạnh đó, đã có tình trạng làm giả sổ tiết kiệm để cho vay cầm cố, gây thất thoát tài sản của khách hàng và ảnh hưởng uy tín của ngân hàng”.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, hình thức vay này chiếm dư nợ không quá lớn và nhiều ngân hàng cũng khống chế tỷ lệ cho vay theo hình thức này chứ không để phát triển tràn lan.

Còn theo theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, sẽ có hai vấn đề phát sinh.

Trước hết, với những khoản tiền gửi tiết kiệm có nguồn gốc bất hợp pháp được cầm cố cho vay thì ngân hàng sẽ gánh chịu rủi ro, đặc biệt khi Nhà nước tịch thu khoản tiền gửi này thì sẽ không thể tất toán được.

Mặt khác, không loại trừ trường hợp nhiều ngân hàng hoặc các chi nhánh ngân hàng lợi dụng sản phẩm này để đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt ở những thời điểm cần làm đẹp sổ sách.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, ở thời điểm hiện nay, việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm để đẩy tăng trưởng tín dụng không hẳn là mục đích của các ngân hàng, bởi lẽ, các ngân hàng đều đang muốn có thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chứ không muốn dùng hết hạn mức đã được giao.\

——————

Thời báo Tài chính (Tiền tẹ – Bảo hiểm) 13-9-2019:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2019-09-13/loi-va-hai-tu-cho-vay-cam-co-so-tiet-kiem-76302.aspx

(120/1.402)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,925