(TTPL) – Theo một số chuyên gia và luật sư, việc Ngân hàng Nhà nước siết cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là cần thiết bởi thời gian qua đã xuất hiện tình trạng lừa đảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cả khách hàng và ngân hàng.
Mới đây, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam về việc cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Trên cơ sở đó, để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương án không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay; kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm; chủ động xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.
Các tổ chức tín dụng phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ, bao gồm cả quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng phải kịp thời báo cáo Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố những trường hợp vi phạm; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn hoạt động.
Theo một số chuyên gia và luật sư, việc cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm là một nghiệp vụ khá phổ biến, được nhiều ngân hàng thương mại triển khai nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho cả khách hàng lẫn ngân hàng. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước siết cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là cần thiết bởi thời gian qua đã xuất hiện tình trạng lừa đảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cả khách hàng và ngân hàng.
Thực tế, từ cuối năm 2018 đến nay đã xuất hiện một số trường hợp lừa đảo, khách hàng vẫn giữ sổ tiết kiệm nhưng tiền đã bị rút thông qua các khoản vay cầm cố, hoặc có trường hợp khách hàng thông đồng với nhân viên tín dụng làm giả sổ tiết kiệm, giả chữ ký để rút khống tiền.
Thậm chí, có trường hợp khách hàng gửi tiết kiệm số tiền hàng chục tỷ đồng, nhưng sổ tiết kiệm lại để người khác giữ, họ cứ nghĩ rằng phải có chữ ký, xác nhận của mình mới tất toán được nhưng lại bị giả mạo để mang đi cầm cố vay. Khi đến hạn tất toán, khách hàng ra ngân hàng thì thấy tiền gửi mới ngớ người vì tiền đã mất.
Một ví dụ cụ thể là trường hợp vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn (trú tại số 50 Hàng Tre, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) gửi tiền tiết kiệm vào một số ngân hàng ở Hà Nội để nhận lãi suất nhưng khi đến làm thủ tục tất toán thì được thông báo sổ tiết kiệm bị phong tỏa do đã cầm cố để vay khoản tiền khác tại ngân hàng này.
Đáng nói, với trường hợp của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn, dù các cơ quan chức năng vào cuộc giám định chữ ký thì thấy, chữ ký ở giấy tờ gửi tiền với chữ ký vay tiền khác nhau, tức vợ chồng ông Toàn không phải là người ký cầm cố. Dù vậy, sau “cuộc chiến pháp lý” đến nay vợ chồng ông Toàn vẫn chưa thể nhận lại tiền của mình đã gửi.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, tiền gửi tiết kiệm đứng tên một cá nhân, nhưng chưa biết rõ tiền đó là của ai. Nếu cho vay bằng cầm cố sổ mà không xem xét kỹ lưỡng có thể dẫn đến rắc rối, tranh chấp. Bên cạnh đó, nếu khách hàng cứ ham lãi suất cao, rút tiền để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp mà không xem xét kỹ, có thể chịu rủi ro lớn, dẫn đến bị mất tiền.
Hơn nữa, khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, sẽ có hai vấn đề phát sinh. Thứ nhất, nếu khoản tiền gửi tiết kiệm có nguồn gốc bất hợp pháp thì sẽ rủi ro cho ngân hàng, vì nếu Nhà nước tịch thu thì ngân hàng sẽ không thể tất toán được. Thứ hai là hiện nay nhiều ngân hàng lợi dụng sản phẩm này để đẩy tăng trưởng tín dụng, nhất là thời điểm chuẩn bị chốt số liệu, để làm cơ sở cho chỉ tiêu năm sau.
Hậu Lộc
——————
Tuổi trẻ & Pháp luật (Tài chính – NH) 15-9-2019:
https://phapluat.tuoitrethudo.com.vn/canh-bao-cho-vay-cam-co-so-tiet-kiem-la-can-thiet-31735.html
(189/1.119)