2.344. Mua nhà dự án thế chấp ngân hàng có đáng lo?

(ANTĐ) – Mới đây, thông tin gần 100 dự án nhà tại Hà Nội đang thế chấp ngân hàng khiến nhiều người dân băn khoăn việc mua nhà tại các dự án này có rủi ro như thế nào?

92 dự án thế chấp ngân hàng

Theo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, đến ngày 23/8, có 92 dự án tại Hà Nội được chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng và tổ chức tín dụng bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai thuộc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội.

Trong số này, có tên hàng loạt “đại gia” bất động sản Hà Nội. Trong đó, Công ty CP Đầu tư Hải Phát thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai Dự án như Hải Phát Plaza (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm), thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai Dự án tại lô đất CT5C (Xuân Phương, Nam Từ Liêm)…

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai Dự án căn hộ D’.Palai de Louis (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy); thế chấp 139 căn hộ, dự án Le Pont D’or (Hoàng Cầu, Đống Đa); thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai dự án chung cư cao cấp D. Le Roi Soleil (số 2 Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ)…

Tập đoàn FLC đang thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai dự án công trình hỗn hợp 265 Cầu Giấy; Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội thế chấp quyền sử dụng đất một loạt thửa đất tại Khu đô thị mới Dương Nội; Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam thế chấp quyền sử dụng đất dự án Khu đô thị mới C2 (phường Yên Sở và Trần Phú, Hoàng Mai)…

Mua nhà dự án thế chấp ngân hàng có đáng lo? ảnh 1

Hầu hết các dự án nhà ở hiện nay đều có thế chấp ngân hàng (Ảnh minh họa)

Thông tin trên gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người vì nhiều trong số các dự án được nhắc tên đang hoặc đã bán cho người dân. Cùng với đó, trước đây, từng có những dự án mà người mua nhà không được cấp sổ đỏ do dự án thế chấp ngân hàng.

Người mua nhà có cần lo lắng?

Trao đổi với phóng viên, Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, việc các dự án thế chấp ngân hàng là không đáng lo lắng, vì thực tế gần như 100% các chủ đầu tư hiện nay đều sử dụng một phần vốn ngân hàng để đầu tư các dự án. Mà muốn được vay tiền thì đương nhiên phải có tài sản thế chấp.

“Việc trước đây xảy ra tình trạng người dân không được cấp sổ đỏ là do chưa quy định chặt chẽ, nhưng từ khi có Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản thì không còn đáng ngại nữa” – vị này nói.

Thậm chí, theo đại diện doanh nghiệp này, nếu như chủ đầu tư vay vốn ngân hàng dưới hình thức thế chấp tài sản nhà và đất và có đăng ký thông tin thế chấp tại Sở Tài nguyên và Môi trường, thì dự án đó chắc chắn đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời tính pháp lý dự án đã được Nhà nước đảm bảo.

Cùng quan điểm trên, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, người mua nhà không nên quá lo lắng nếu đã mua nhà tại các dự án thế chấp ngân hàng. Vì hiện nay, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản đều có những quy định rõ ràng về những trường hợp này.

Cụ thể, theo luật sư Trương Thanh Đức, Luật Nhà ở năm 2014 quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp tại ngân hàng và tổ chức tín dụng các dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.

Cũng theo ông Đức, việc các dự án thế chấp ngân hàng thậm chí không thể hiện năng lực tài chính cũng như uy tín của chủ đầu tư. Vì Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải được ngân hàng bảo lãnh.

Chủ đầu tư muốn được ngân hàng bảo lãnh cho dự án thì đương nhiên phải có tài sản thế chấp, vì vậy, việc các dự án thế chấp ngân hàng là điều bình thường. Còn người mua các dự án đã được bảo lãnh thì dù có đang thế chấp hay không thế chấp, chỉ cần giao dịch hợp pháp và thực hiện nộp tiền đúng quy định sẽ được bảo vệ.

Đặc biệt, theo quy định trước khi bán căn hộ, nhà ở cho khách hàng, chủ đầu tư phải được Sở Xây dựng xác nhận nhà ở đó đủ điều kiện giao dịch, trong đó có quy định rõ ràng là tài sản không nằm trong diện đang thế chấp tại ngân hàng.

Vì vậy, theo các chuyên gia, để đảm bảo quyền lợi của mình, trước khi ký hợp đồng mua bán dự án đã thế chấp ngân hàng, người mua nhà cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản đã giải chấp căn hộ dự định mua.

——————

An ninh thủ đô (Kinh doanh) 28-09-2018:

Mua nhà dự án thế chấp ngân hàng có đáng lo? (anninhthudo.vn)

(357/1.006)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.979. "Vá" lỗ hổng livestream bán hàng.

"Vá" lỗ hổng livestream bán hàng (NLĐ) - Các nền tảng cần phải có...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,032