(TP) – CPI tăng cao nhưng mức chiết trừ gia cảnh đứng yên dẫn đến số tiền Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) dân phải nộp tăng cao, thu nhập thực nhận giảm xuống. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và điều chỉnh các ngưỡng chịu thuế khi tính thuế TNCN.
Dân đang “gánh” quá nhiều loại thuế, phí
Đã 5 năm kể từ khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng trên hơn 20%. Dự kiến CPI năm nay tăng khoảng 4%, nghĩa là sau 5 năm luật Thuế TNCN có hiệu lực, CPI sẽ tăng khoảng 23%. Như vậy, theo quy định, đã đến lúc Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo của Luật Thuế TNCN để phù hợp với biến động của giá cả, áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Chiếu theo luật thì đã đến lúc các ngưỡng chịu thuế phải được điều chỉnh.
Từ tháng 7/2013, mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, giảm trừ cho người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. CPI tăng hơn 20% nhưng mức chiết trừ gia cảnh đứng yên dẫn đến số tiền thuế phải nộp của mỗi cá nhân tăng. Thế nhưng, trong dự thảo Luật Thuế TNCN sửa đổi đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, Bộ này không đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc, với lý do mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng 5 năm nay hiện vẫn còn phù hợp.
Để sửa biểu thuế, Bộ Tài chính cũng đề xuất phương án điều chỉnh. Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, cá nhân đang có thu nhập ở bậc 1, bậc 2 sẽ không bị ảnh hưởng, cá nhân có thu nhập từ bậc 3 trở lên sẽ tăng mức chịu thuế so với hiện tại. Tuy nhiên, mức tăng thêm so với thu nhập của người có thu nhập cao không lớn (ví dụ: cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 400.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 500.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 650.000 đồng/tháng). Từ cách tính này, tổng thu ngân sách ước tăng khoảng 500 tỷ đồng.
Với lập luận, chính sách thuế càng đơn giản thì người dân càng dễ thực hiện, các ý kiến cho rằng, phải giảm bậc thuế xuống, thậm chí chỉ còn 3 bậc, đồng thời giảm thuế suất, giãn khoảng cách giữa các bậc thuế. Nhưng đề xuất của Bộ Tài chính vẫn chỉ nhằm vào tăng thu.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, luật không nên đưa ra con số tuyệt đối (mức quy định lạm phát trên 20% mới thay đổi mức chiết trừ gia cảnh) để vài năm lại thay đổi. Ông Đức kiến nghị, trong trường hợp không thay đổi mức chiết trừ gia cảnh, ban soạn thảo luật chỉ nên đưa ra 3 mức thuế suất thuế TNCN thay vì 5 bậc như hiện nay. Nếu được thì mức thấp nhất là 2% để mọi người không cảm thấy nhiều gánh nặng; mức thuế suất cao nhất là 20%, bằng với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, ngân sách khó khăn, luôn trong tình trạng vay nợ, chính sách an sinh xã hội chưa thể đạt được trình độ như các nước. Do đó, trước khi tính thuế phải tính giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc để người nộp thuế có thể đảm bảo nhu cầu thiết yếu nhất như ăn ở mặc, đi lại, học hành…
Ông Long còn cho rằng, chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ, mặt khác thu nhập của người dân tăng lên, do đó phải: Tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên mức cao hơn hiện tại; Nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc vì mức 3,6 triệu đồng/tháng không còn phù hợp thực tế.
Chỉ trong vòng 5 năm, tiền thuế TNCN Nhà nước thu được tăng gấp đôi. Năm 2013, cả nước thu được 46.548 tỷ đồng, năm 2018 dự toán sẽ thu hơn 96.000 tỷ đồng.
TUẤN NGUYỄN
———————-
Tiền phong (Kinh tế) 01-10-2018:
(115/818)