(DĐDN) – Việc buộc gắn hộp đèn trên tất cả các xe taxi, gồm taxi taxi truyền thống và xe sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (xe công nghệ) đã gây ra tranh cãi trái chiều.
Bộ GTVT nói “cần”
Sau nhiều lần đề xuất gắn hộp đèn (mào) rồi bỏ, mới đây, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) bất ngờ trình báo cáo lên Thủ tướng góp ý dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thay thế Nghị định 86 cũ. Bộ này vẫn giữ nguyên quan điểm: xe sử dụng phần mềm tính tiền phải gắn hộp đèn.
Trong công văn số 8598 do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký ngày 11/9 vừa qua, Bộ GTVT cho rằng, Nghị định 86/2014 hiện hành và 11 lần trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 có nội dung quy định xe taxi phải có hộp đèn với chữ “taxi” gắn cố định trên nóc xe. Đây là quy định chung cho tất cả các xe taxi, gồm taxi truyền thống và xe công nghệ.
Bộ GTVT khẳng định, khi đơn vị vận tải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi, dù sử dụng phương pháp tính tiền theo đồng hồ hay phần mềm đều phải chịu điều kiện kinh doanh chung như nhau để đảm bảo công bằng.
Chuyên gia bảo “không”
Tại dự thảo Nghị định 86 lần thứ 10 trình Chính phủ hồi tháng 8, Bộ GTVT đã gỡ bỏ quy định các xe hợp đồng điện tử như Grab phải gắn mào. Thay vào đó yêu cầu dán phù hiệu “Xe hợp đồng” bằng vật liệu phản quang bên trong xe.
Cuối tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu hủy bỏ đề xuất buộc taxi công nghệ phải gắn hộp đèn trên nóc xe và chỉ đạo phải dùng công nghệ để quản lý thay vì “hộp đèn”.
Việc gắn “mào” cho xe công nghệ đang được nhiều chuyên gia quan tâm. Theo ông Lâm Minh Chánh, Giám đốc trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUni, đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp, trong thời đại công nghệ, các cơ quan quản lý cũng phải áp dụng công nghệ để quản lý, chứ không nên dựa vào cái “mào” xe như nhiều năm trước.
“Tôi không cho rằng yêu cầu gắn hộp đèn gắn trên xe taxi truyền thống lên xe công nghệ là công bằng. Xe công nghệ là một trong những phát minh tuyệt vời của con người trong thời đại kỹ thuật số. Chỉ với một ứng dụng (app) trên điện thoại, người có xe và người muốn đi xe có thể gặp nhau. Xe công nghệ vốn là nền tảng kết nối xe và người. Xe có thể kinh doanh chuyên nghiệp, nhưng cũng có thể là xe tư nhân khi rảnh thì chở khách. Đó là yếu tố tốt đẹp của nền kinh tế chia sẻ”. – ông Chánh nói.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia thì chụp mũ taxi lên những chiếc xe công nghệ là gián tiếp giết đi sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ trong ngành giao thông vận tải tại Việt Nam. Vì sẽ chẳng có xe nhà, xe tư nhân nào muốn có cái “mào” mang dấu hiệu taxi trên nóc xe của mình.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI phân tích, mục đích của việc nhận diện phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của ba đối tượng: khách hàng, đơn vị quản lý thuế và lực lượng thanh kiểm tra, cảnh sát giao thông.
Phía khách hàng không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng. Việc gắn phù hiệu, “mào” xe cũng không có ý nghĩa đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là doanh nghiệp. “Không có quốc gia nào lại đi cấm đoán, siết chặt quản lý với các phương tiện vận tải công cộng. Quy định này có thể dẫn đến tiêu cực, mãi lộ”. – ông Đức nói.
Trên thực tế, Bộ GTVT đã 2 lần ban hành thông tư quy định tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (Thông tư 63/2014/TT-BGTVT và Thông tư 60/2015/TT-BGTVT). Trong đó, phần quy định về xe taxi có nói rõ xe taxi phải có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn trên nóc xe, từ 18h đến 6h hộp đèn phải được bật sáng khi trên xe không có khách và tắt khi trên xe có khách. Chính Bộ cũng xác định mục đích của việc gắn hộp đèn taxi chỉ nhằm tạo thuận lợi cho hành khách khi có nhu cầu gọi xe.
Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa chia sẻ nếu “ép” Grab vào mô hình của doanh nghiệp vận tải, trở về đúng bản chất của mô hình taxi truyền thống thì người dân sẽ hết thời đi giá rẻ. Khi đó, buộc Grab phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, lương thưởng, chế độ đãi ngộ nhân viên… Tất cả sẽ được doanh nghiệp áp vào giá thành. Những cái mới, hay, cái tiến bộ sẽ thành vô nghĩa.
Xe công nghệ là phát minh tuyệt vời, đem lại giá trị lớn cho xã hội, và là xu thế phát triển thời công nghệ số. Nếu Bộ GTVT đem hộp đèn của taxi truyền thống ra chụp lên đầu xe công nghệ, thì đó không phải là sự công bằng, mà đó là sự thụt lùi của xã hội.
Lan Anh
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Ô tô, xe máy) 19-9-2019:
https://diendandoanhnghiep.vn/gan-mao-cho-xe-cong-nghe-lieu-co-hop-thoi-4-0-158001.html
(134/1.088)