Các ngân hàng ngoại đang đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Việt Nam, khiến sức ép cạnh tranh trên thị trường tài chính ngân hàng ngày càng khốc liệt, trong đó các ngân hàng ngoại đang sở hữu khá nhiều lợi thế. Theo các chuyên gia, đó cũng là điều đã được dự báo từ sớm khi nền kinh tế mở cửa hội nhập, sự cạnh tranh này cũng mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

 Tổng tài sản của khối ngân hàng ngoại đã tăng 19,12% trongbr class=

Tổng tài sản của khối ngân hàng ngoại đã tăng 19,12% trong năm 2018.

Mở rộng vùng phủ sóng

Ngân hàng TNHH MTV Woori Bank vừa được NHNN chấp thuận cho mở liền lúc 5 chi nhánh tại 5 tỉnh, thành phố. Nếu mở đủ 5 chi nhánh nói trên thì Woori Bank sẽ có tới 14 chi nhánh, cho dù mới chỉ hoạt động tại Việt Nam gần 3 năm.

Ngân hàng ngoại có mạng lưới hoạt động rộng nhất hiện nay ở Việt Nam là Shinhan Bank – một ngân hàng Hàn Quốc khác. Với việc khai trương thêm 4 chi nhánh, phòng giao dịch tại Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và Bình Dương vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, Shinhan đã có hiện diện ở cả Bắc, Trung và Nam với 36 chi nhánh và phòng giao dịch.

Để mở rộng vùng phủ sóng, các ngân hàng nước ngoài rất quan tâm tới việc nâng cao năng lực tài chính. Đơn cử mới đây, Ngân hàng TNHH MTV Public Việt Nam đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 6 nghìn tỷ đồng. Theo số liệu thống kê của NHNN, đến cuối tháng 4/2019, tổng tài sản của khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 1.125 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 116,62 nghìn tỷ đồng, tăng 2,76% so với cuối năm 2018.

Năng lực tài chính được củng cố là cơ sở để các ngân hàng ngoại đẩy mạnh hoạt động theo chiều sâu. Với lợi thế nguồn vốn rẻ từ ngân hàng mẹ cũng như công nghệ vượt trội, các nhà băng ngoại đang mở rộng hoạt động sang những phân khúc vốn là thế mạnh của các ngân hàng nội, như cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay tiêu dùng…

Chẳng hạn như Citibank, N.A. Chi nhánh TP.HCM vừa được bổ sung thêm một loạt nghiệp vụ: Tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; Mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; Dịch vụ môi giới tiền tệ; Ví điện tử; Đầu tư hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ…

Doanh nghiệp được hưởng lợi

Với những lợi thế của các ngân hàng ngoại, các ngân hàng nội đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí có nguy cơ thua trên sân nhà nếu không bắt kịp.

Tuy nhiên, cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là điều khó tránh và vấn đề này cũng đã được giới chuyên gia cảnh báo từ sớm khi kinh tế Việt Nam mở cửa hội nhập. Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn, giao thương quốc tế nhiều hơn, nên ngân hàng sẽ có thêm cơ hội gia tăng quy mô, số lượng và giá trị cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng nội cũng đối mặt với thách thức cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài, kể cả hiện diện và không hiện diện tại Việt Nam. “Với hệ thống công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, các ngân hàng ngoại đang có lợi thế cạnh tranh cao hơn các ngân hàng trong nước”, ông Đức đánh giá.

Thậm chí theo một chuyên gia ngân hàng, cạnh tranh cũng giúp sàng lọc bớt những ngân hàng yếu kém và trong chừng mực nào đó, cũng tạo áp lực buộc các ngân hàng nội phải đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Theo đó, người dân và doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ hiện đại theo chuẩn quốc tế với mức phí phải chăng.

Thế nhưng, không thể phủ nhận việc tiếp cận vốn tín dụng của các ngân hàng nước ngoài là không hề dễ dàng. “Các ngân hàng nước ngoài thường yêu cầu rất khắt khe về tính minh bạch tài chính…, trong khi đây là lại điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ trong nước. Vì thế, số lượng các doanh nghiệp trong nước tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng nước ngoài là chưa nhiều”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.