(IFN) – Sau tất cả những phát triển của công nghệ, nếu việc yêu cầu gắn mào taxi với xe hợp đồng dưới 9 chỗ trong dự thảo thay thế Nghị định 86 được thực hiện sẽ xảy ra tình trạng cào bằng và đưa mọi thứ về ‘thời kỳ đồ đá’.
Gây thiệt hại cho hành khách, giảm sự sẵn sàng tham gia thị trường của các công ty, đưa ngành công nghiệp dịch vụ giao thông trở lại thời điểm trước khi có công nghệ xuất hiện… là một vài nguy cơ có thể xảy ra mà bất kì ai cũng có thể thấy được nếu dự thảo thay thế Nghị định 86 quy định hoạt động kinh doanh vận tải hàng khách bằng ô tô dưới 9 chỗ được thông qua.
Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có văn bản góp ý về dự thảo thay thế Nghị định 86 quy định hoạt động kinh doanh vận tải hàng khách bằng ô tô dưới 9 chỗ, trong đó cần xem những đơn vị cung cấp nền tảng (platform) như Grab, Uber, GoViet… là một chủ thể riêng biệt, không quy chiếu vào những chủ thể theo mô hình truyền thống.
Xe công nghệ và taxi truyền thông khác xa nhau từ cái nhỏ nhất
Xe công nghệ và taxi truyền thống thoạt nhìn có vẻ giống nhau vì đều là dùng xế hộp để đưa đón khách rồi nhận tiền, nhưng thật ra chúng không hề giống nhau từ cách vận hành đến khâu quản lý hệ thống.
Điều đầu tiên dễ dàng thấy được, thông thường, đối với taxi truyền thống, khách đi xe phải gọi đến tổng đài, nhân viên trực máy sẽ tìm xe gần nhất rồi liên hệ đến điểm đón. Hệ thống taxi cần phải duy trì bộ máy tổng đài viên, sân bãi đậu hàng vạn chiếc xe cũng như chi phí độn lên cao trong quá trình tài đi tìm khách.
Đối với xe công nghệ, khách hàng có thể đặt chuyến đi ngay trên ứng dụng, công ty công nghệ chỉ đóng vai trò kết nối hai giao dịch dân sự lại với nhau và đứng ra giải quyết nếu có vấn đề bất khả kháng xảy ra. Loại hình này không cần các khoản chi phí khổng lồ như taxi nên cắt giảm được số tiền mỗi cuốc xe, vừa tạo tiện nghi vừa tạo thuận lợi cho hành khách.
Anh Trung, một tài xế chạy xe công nghệ ở quận 7, TP.HCM, chia sẻ những bất cập về quy định mới: “Bản thân mình đăng ký chạy xe từ mấy tháng nay rồi nhưng không phải ngày nào cũng chạy, mình làm việc này kiếm thêm nên khi nào rảnh rỗi mới làm. Bây giờ, nếu bắt phải gắn hộp đèn lên nóc trông rất kì vì đây là xe nhà, hoặc những hôm không chạy không lẽ lại gỡ ra rồi lại gắn vào? Điều này sẽ gây ra rất nhiều bất tiện”.
Cũng theo người tài xế này, việc đón xe taxi và xe công nghệ vốn đã khác nhau ngay từ đầu, “khách đặt xe qua ứng dụng đã có thông tin của tài xế, mình nhận cuốc cũng có được tên, số điện thoại đầy đủ của khách. Trước khi đến điểm đón, mình có gọi điện thoại nhằm trao đổi nhanh và xác nhận để khách biết mà đón. Như vậy, đâu cần phải gắn “mào” người ta mới biết mình là ai”.
Phủ nhận mọi tiến bộ của công nghệ
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, mục đích của việc nhận diện phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của 3 đối tượng: khách hàng, đơn vị quản lý thuế và lực lượng thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông. Về phía khách hàng, họ không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng.
“Việc gắn phù hiệu hay không cũng không có ý nghĩa gì đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là doanh nghiệp”, ông Đức phân tích.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng trước sự bùng nổ của các loại hình xe công nghệ, nhà nước cần thiết có những điều luật để quản lý nhưng phải xem chúng như một hình thức khác biệt để quản lý bằng những quy định khác biệt, đồng thời phải xác định đây không phải taxi truyền thống hay taxi công nghệ, cũng không phải là sự kết hợp của cả hai mà là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.
“Bởi vì xe công nghệ là sản phẩm của thời 4.0, ta không thể quản lý bằng tư duy làm luật của 10 năm trước. Nếu làm như vậy, tức là đã kéo loại hình này về quản như taxi, áp theo khung quản lý cũ thì sẽ triệt tiêu hết những tiến bộ, lợi ích mà công nghệ đem lại cho người dùng”, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết thêm.
“Vẽ đường cho hươu chạy… bậy”
Trò chuyện với anh Sơn, một tài xế chạy xe công nghệ khác ở quận 2, TP.HCM, lấy thực tế từ tình trạng xe ôm truyền thống đột lốt xe ôm công nghệ để lừa đảo, anh lo ngại chuyện gắn mào taxi cho xe công nghệ sẽ dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực hay vẽ đường cho tài xế chạy… bậy.
“Khi đã gắn mào, khách hàng sẽ không quá bận tâm về việc đó là taxi hay xe công nghệ, mà vẫn theo thói quen đứng vẫy tay đón xe ngoài đường. Dần dần, tài xế sẽ không nhận cuốc qua app nữa mà sẽ tắt luôn điện thoại để đón khách dọc đường.
Việc này dẫn đến sự thiếu ràng buộc, không một thỏa thuận nào được đưa ra giữa hành khách và tài xế. Số tiền thanh toán cuối cùng có thể bị độn lên rất cao nếu tài xế chịu khó chém giá, rồi khách hàng cũng không khiếu nại ở đâu được vì đó là những cuốc xe ngoài luồng”, anh cho biết.
Có nhiều hình thức nhận diện tinh tế hơn
Không phản đối việc “về chung nhà” với taxi truyền thống, tuy nhiên phía Grab đề xuất cần có quy chế riêng với xe công nghệ. Cụ thể, loại phương tiện này sẽ không bị yêu cầu có đồng hồ tính tiền (taxi meter) và niêm yết bảng giá cước; không yêu cầu có sơn logo và hộp đèn taxi gắn cố định trên nóc xe.
Thay vào đó, phải lắp đặt bảng đèn LED gắn trong xe, ngay phía sau kính chắn gió. Các bảng đèn LED này phải được bật khi xe đang kinh doanh và có thể tắt đi khi xe không phục vụ. Ngoài ra, tài xế sẽ không được đón khách vãng lai trên đường mà không thông qua dịch vụ kết nối vận tải.
Các nước trên thế giới như Anh, Đức, Mỹ, Singapore hay Indonesia,… đều đã và đang nỗ lực xây dựng, thực hiện các mô hình, phương thức quản lý mới nhằm quản lý tốt loại hình xe công nghệ mà không gây phiền hà và thiệt hại cho các bên.
Tại Singapore, chính phủ yêu cầu ride-sharing gắn một decal nhỏ ở góc kính trước, cửa hai bên hoặc cửa kính sau xe. Những miếng dán này nhỏ vừa đủ để có thể đọc được thông tin khi đứng gần mà trở nên dường như vô hình nếu đứng từ xa.
Ở Indonesia, phương tiện công cộng, phương tiện thực hiện dịch vụ chở khách và phương tiện cá nhân được quản lý dựa vào màu sơn của xe và biển số xe. Phương tiện công cộng được sơn vàng trong khi xe dịch vụ được cấp biển số với một vài ký tự thể hiện khu vực đăng ký và loại hình hoạt động của phương tiện.
Dễ dàng thấy được, không một quốc gia nào trên thế giới trừ Việt Nam nảy ra ý tưởng gắn hộp đèn taxi trên nóc những chiếc xe công nghệ, đây không chỉ là việc xấu đẹp hình thức mà còn là cả một hệ thống tư duy trong quản lý khi mà có rất nhiều cách để quản lý khéo léo mà vẫn giữ được sự chính xác, tinh tế.
Dự thảo thay thế Nghị định 86 ra đời nhằm tạo một cơ chế quản lý hình thức giao thông chở khách thời đại mới, nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như tránh thất thoát trong việc quản lý thuế. Dù không phủ nhận những nỗ lực của Bộ GTVT nhưng nếu đánh đồng taxi truyền thống và xe công nghệ thì mọi nỗ lực của công nghệ để có được ngày hôm nay sẽ bị vứt bỏ.
——————
Infonet (Kinh doanh) 24-9-2019:
(317/1.636)