(DĐDN) – Đó là khẳng định của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tại Hội thảo xin ý kiến dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Bộ Công Thương vừa tổ chức hội thảo xin ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Dự thảo thông tư này ra đời trong bối cảnh hiện nay có nhiều loại sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ghép, gia công nhưng lại ghi nhãn là hàng “made in Vietnam” khiến dư luận phản ứng.
Trước quan điểm cho rằng Dự thảo này sẽ làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.
“Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm “đội lốt” hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua”, ông Khánh nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài Viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, khái niệm gốc của xuất xứ hàng hóa không phải là quy định của Luật Ngoại thương mà nó là Luật Thương mại điều 3.14 năm 2005 định nghĩa, đối với trường hợp nhập nguyên liệu, nhập bộ phận, nhập chi tiết thì xuất xứ là nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng.
“Đơn cử, chỉ một quy định: “Chế biến công đoạn cuối cùng” cũng đã tạo rào cản, bế tắc không vượt qua được. Hàng xuất khẩu vướng ít, thậm chí là không vướng. Tuy nhiên, với hàng nội địa, luật pháp quy định có tính chất đánh đố doanh nghiệp. Nếu nói nặng là kiểu gì cũng chết, nói nhẹ thì kiểu gì cũng vướng, nói vừa vừa thì kiểu gì cũng sai.
Luật nghe thì rất hay, chuẩn mực, hùng hồn nhưng đi sâu vào là không ổn. Lúc đầu bản thân tôi cũng phản đối rất nhiều liên quan đến Asanzo, tuy nhiên tôi càng đọc kỹ, suy ngẫm, đã xem lại thì cái sai chính lại không nằm ở doanh nghiệp”, ông Đức nói.
Tuy nhiên, khi bình luận về vấn đề này, Luật Sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng: “Dự thảo này đang đặt ra vấn đề, một sản phẩm đó họ mua linh kiện của nhiều nước khác về lắp ráp đơn giản nên không đủ điều kiện ghi xuất xứ hàng hóa Việt Nam, vậy thì sản phẩm đó ghi xuất xứ nước nào. Trong trường hợp này cần phân tích sản phẩm đó linh kiện của nước nào có giá trị cao nhất thì ghi xuất xứ của nước đó”.
Trước đó, từ đầu tháng 8/2019, Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo Thông tư này. Theo quy định, Bộ Công Thương đã đăng tải công khai dự thảo và sẽ tổ chức 2 hội thảo tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để lấy ý kiện rộng rãi của mọi người dân, doanh nghiệp, bộ ngành liên quan để hoàn thiện, sau đó báo cáo Thủ tướng, rồi tiếp tục rà soát một lần nữa trước khi ban hành, đưa vào cuộc sống.
Đỗ Huyền
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (KD &PL) 25-9-2019:
https://enternews.vn/thong-tu-made-in-vietnam-khong-lam-phat-sinh-chi-phi-doanh-nghiep-158383.html
(202/756)