Báo chí phản ánh sự thật vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Tính phản biện sâu hơn
Theo góc nhìn của bạn đọc, nhà nghiên cứu kinh tế, chuyên gia pháp lý, tính phản biện của báo chí gần đây có độ sâu và đa chiều hơn. Chính điều này giúp cho thông tin báo chí mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho bạn đọc.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, thời gian gần đây, báo chí nói chung, các ấn phẩm của Báo Ðầu tư nói riêng đã phản ánh sâu sắc hơn các vấn đề kinh tế – xã hội.
Ðặc biệt, thông tin báo chí có hàm lượng phản biện, phân tích đa chiều hơn, chứ không đơn thuần là đưa tin thuần túy như trước đây…
Không ít nhà báo đã trở thành chuyên gia trong một số lĩnh vực, với khả năng phân tích, bình luận, phản biện chính sách có chất lượng, qua đó mang lại những thông tin hữu ích cho cả nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách lẫn công chúng tiếp cận thông tin.
“Nhiều diễn đàn đối thoại do cơ quan báo chí tổ chức có tính phản biện tốt, tiếp cận thẳng thắn, không ngại va chạm nhiều vấn đề nóng trong thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội. Nhờ bước tiến này mà nhà quản lý, hoạch định chính sách, đơn vị nghiên cứu tiếp cận được nhiều thông tin hữu ích ngay tại các diễn đàn, thay vì phải trực tiếp đến doanh nghiệp để thu thập, nắm bắt tình hình”, ông Hiếu nói.
Ðồng tình với góc nhìn trên, luật sư Trương Thanh Ðức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, chuyên gia pháp lý trong lĩnh ngân hàng, chứng khoán, đầu tư chia sẻ, báo chí đã có nỗ lực trong phản ánh, phân tích những vấn đề vô lý của cơ chế, chính sách, của thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội.
Ðiều đó làm gia tăng tính phản biện cho báo chí, giúp cho vấn đề được “lật đi lật lại” đa chiều. Từ đó, các cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc giải quyết.
Trong “gia đình” Báo Ðầu tư, ấn phẩm Ðầu tư Chứng khoán đã có 20 năm đồng hành với thị trường chứng khoán Việt Nam, với nhà đầu tư, cơ quan quản lý, các thành viên thị trường, ngay từ những ngày thị trường tài chính bậc cao này chuẩn bị khai trương.
Trên hành trình hai thập kỷ ấy, bên cạnh những thông tin khích lệ tinh thần sáng tạo trong sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức kinh doanh chứng khoán, Báo Ðầu tư Chứng khoán đã dành một dung lượng đáng kể để chuyển tải những thông tin phản biện chính sách, ghi nhận, phân tích những bất cập trong áp dụng cơ chế, chính sách, những vấn đề phát sinh từ cuộc sống, thị trường.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, những thông tin phản ánh, phản biện kịp thời trên ấn phẩm Ðầu tư Chứng khoán, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã nắm bắt được các bất cập phát sinh trong thực tiễn vận hành thị trường và những kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp, công chúng đầu tư.
Từ đó, cơ quan quản lý nghiên cứu, sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường vốn hoạt động, tạo thuận lợi cho các bên tham gia, giúp thị trường phát triển ngày càng lành mạnh, minh bạch…
Nhiều kỳ vọng phía trước
Tuy ghi nhận báo chí nói chung, các ấn phẩm của Báo Ðầu tư nói riêng đã có những bước tiến trong gia tăng hàm lượng thông tin phản biện, cũng như tính chiến đấu với cái xấu, những “góc khuất” tồn tại trong nền kinh tế nói chung, trên thị trường chứng khoán nói riêng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần nỗ lực hơn nữa của đội ngũ làm báo để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả, của xã hội.
“Tính sâu sắc của các thông tin trên báo chí còn hạn chế. Ðiều này thể hiện qua việc nhiều khi đi phỏng vấn, phóng viên, nhà báo chưa dành thời gian nghiên cứu, nắm bắt thông tin về vấn đề mà mình phỏng vấn, thu thập thông tin.
Hệ quả là có lúc đặt những câu hỏi không sâu, hỏi theo kiểu chưa nắm được thông tin gì về vụ việc, thậm chí đặt ra những câu hỏi không trúng và đúng. Hạn chế này có thể do năng lực của người làm báo, hoặc do áp lực về tính thời sự phải cạnh tranh về thời điểm công bố tin, bài trên mặt báo…”, ông Hiếu thẳng thắn nhận xét.
Ông Hiếu cũng cho rằng, một số nhà báo chưa lột tả hết được hồn cốt sâu sắc, có góc nhìn riêng của những thông điệp mà người trả lời phỏng vấn, người chia sẻ thông tin muốn chuyển tải tới công chúng.
Ðể các sản phẩm thông tin trên báo chí có tính phản biện, tương tác hai chiều cao hơn, qua đó giúp thông tin báo chí có giá trị cao hơn, theo ông Hiếu, nếu chỉ có sự nỗ lực của người làm báo, cơ quan báo chí thôi là chưa đủ, mà rất cần sự cởi mở, hợp tác của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, cũng như các cá nhân có liên quan.
Không thể vì một số người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mà các tổ chức, cá nhân tìm cách né tránh cung cấp thông tin cho báo chí.
Làm như vậy càng khiến cho tin đồn, các thông tin suy diễn dẫn dắt câu chuyện đi theo một hướng không có lợi cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cũng như dư luận.
Ðương nhiên, để các bên cung cấp thông tin cởi mở, cơ quan báo chí cần cải thiện được niềm tin trong mắt bạn đọc, đặc biệt là người làm báo phải không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Có nghĩa là ở đây cần sự nỗ lực từ cả phía cung cấp thông tin lẫn cơ quan báo chí, người làm báo.
“Trước những vấn đề gai góc trong đời sống kinh tế – xã hội mà sau khi báo chí đề cập không được các cơ quan có trách nhiệm xử lý, cũng như công khai kết quả xử lý tới rộng rãi công chúng, đòi hỏi báo chí phải dũng cảm đi đến cùng sự việc, thì tính hữu ích của thông tin mà báo chí đề cập mới trọn vẹn.
Trên thực tế, không ít vụ việc báo chí chưa đi đến cùng. Mặt khác, độ sâu của các thông tin báo chí còn không ít hạn chế, chưa đáp ứng được trông đợi của bạn đọc, vì mới đề cập những thông tin cảm tính, bề ngoài của vụ việc, vấn đề, mang tính đánh giá cá nhân, mà chưa đi sâu vào bản chất vấn đề, sự kiện… Báo chí khắc phục được những hạn chế này sẽ giúp gia tăng uy tín trong con mắt của công chúng…”, ông Ðức thẳng thắn nói.
——————
Đầu tư Chứng khoán (Thời sự) 27-9-2019:
https://tinnhanhchungkhoan.vn/thoi-su/bao-chi-la-kenh-phan-bien-huu-ich-280473.html
(101/1.384)