Về tiêu chuẩn bổ nhiệm, Dự thảo Luật quy định Hòa giải viên, Đối thoại viên ngoài đối tượng là người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu thì những đối tượng khác là Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên.

Hòa giải viên, Đối thoại viên chỉ cần từ 3 đến 5 năm kinh nghiệm

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng hòa giải viên, đối thoại viên phải là những người có kinh nghiệm nhất định. Tuy nhiên, không nên yêu cầu kinh nghiệm 10 năm như Dự thảo, mà chỉ cần từ 3 – 5 năm.

“Điều 50 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, cũng chỉ yêu cầu tiêu chuẩn, điều kiện đối với Chủ tịch và Tổng giám đốc ngân hàng là có ít nhất từ 3 – 5 năm kinh nghiệm trong các vị trí quản lý, điều hành hoặc liên quan trực tiếp.

Điều 68, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng chỉ yêu cầu điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp là “có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên”, ông Đức dẫn chứng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Đồng quan điểm Luật sư Nguyễn Đức Mạnh – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bizlink, cho rằng quy định yêu cầu hòa giải viên phải có 10 năm kinh nghiệm là không cần thiết.

“Thực tế cho thấy không phải người có hiểu biết pháp luật tốt là có thể tiến hành công tác hòa giải tốt, nhiều trường hợp Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn trẻ nhưng có năng lực, trình độ, kỹ năng hòa giải tốt. Quy định theo hướng này sẽ góp phần mở rộng, huy động nguồn lực lớn trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đóng góp quan trọng vào sự thành công của công tác hòa giải, đối thoại”, ông Mạnh nói nói.

Do đó, ông Mạnh cho rằng nên bỏ quy định yêu cầu người cầu hòa giải viên, đối thoại viên phải có 10 năm kinh nghiệm mới được làm nghề hòa giải.

Nâng tuổi nghỉ hưu với Hòa giải viên

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định tuổi nghỉ hưu của các Hòa giải viên là 70 tuổi, đồng thời, các hòa giải viên phải là những người có uy tín trong xã hội.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, giám đốc Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cho rằng tiêu chuẩn về tuổi “dưới 70” cần được cân nhắc lại khi vì có thể ảnh hưởng tới một số tiêu chuẩn khác.

Theo đó, ông Quang cho rằng thời gian tham gia hoà giải của các Thẩm phán, Kiểm sát viên, người giữ chức danh tư pháp khác nghỉ hưu sẽ không còn nhiều thời gian, đặc biệt khi chính sách về tuổi nghỉ hưu của Bộ lao Lao động có thể thay đổi theo hướng “nâng tuổi nghỉ hưu”.

Nguyễn Hưng Quang - nhquang & associates

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, giám đốc Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, công việc hòa giải rất cần kinh nghiệm của những người cao tuổi.

“Giới hạn độ tuổi của các Hòa giải viên, Đối thoại viên chỉ ở độ tuổi 70 sẽ làm giảm chất lượng đội ngũ Hòa giải viên, Đối thoại viên tại Tòa án. Trong khi đó, Dự thảo đã ràng buộc một loạt điều kiện khác với Hòa giải viên, Đối thoại viên như có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao…”, ông Đức nói.

Do đó, nhiều chuyên gia kiến nghị xem xét nâng độ tuổi tối đa của Hòa giải viên, đối thoại viên lên 80 tuổi thay vì 70 tuổi như dự thảo.

Ngoài ra, ông Đức cũng cho rằng Dự thảo nên xem xét thay từ “bổ nhiệm” bằng từ “công nhận” trong quy định tại khoản 2, Điều 10 “Những người dưới đây nếu có đủ tiêu chuẩn tại khoản 1 Điều này có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên, Đối thoại viên” bởi hòa giải viên trong trường hợp này cũng tương tự như hòa giải viên theo quy định tại Điều 8 về “Bầu, công nhận hòa giải viên”, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.