(ĐBND) – Các điều kiện đối với hòa giải viên quy định tại dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được đánh giá là sẽ khó thu hút được những người có năng lực tham gia vào công tác hòa giải tại tòa án. Việc đưa ra các tiêu chuẩn đối với hòa giải viên cần bảo đảm tương đồng với các quy định khác của hệ thống pháp luật. Đây là ý kiến được đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án do Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức.
Thế nào là người có uy tín trong xã hội?
Theo dự thảo Luật, hòa giải viên là công dân Việt Nam, có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt; có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại, tự nguyện thực hiện nhiệm vụ, hòa giải, đối thoại, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải đối thoại, của tòa án… Dự thảo Luật cũng quy định những người đủ tiêu chuẩn có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên gồm: thẩm phán, kiểm sát viên, những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; những người có hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, có ảnh hưởng và được tín nhiệm cao trong cộng đồng dân cư hoặc trong lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội.
Theo đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên hiện có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, ngoài đối tượng là người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu thì những người là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm hòa giải viên. Quy định theo hướng này góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên tại tòa án, bởi lẽ đây là chế định đặc biệt nên cần thu hẹp nguồn bổ nhiệm theo hướng nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ hòa giải viên. Trong khi đó, quan điểm thứ hai cho rằng, đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác, dự thảo Luật chỉ cần quy định có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình hoặc thời hạn 5 năm mà không cần phải lên tới 10 năm kinh nghiệm. Các ý kiến này cho rằng, nhiều trường hợp luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn tuy trẻ nhưng có năng lực, trình độ, kỹ năng hòa giải tốt. Quy định theo hướng này sẽ góp phần mở rộng nguồn bổ nhiệm hòa giải viên.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định của dự thảo Luật có một số điểm chưa phù hợp. Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty TNHH Bizlink đề nghị, cần làm rõ thế nào là người có uy tín trong xã hội, bởi đây là vấn đề rất khó định lượng. Cũng theo luật sư Mạnh, hiện pháp luật Việt Nam mới chỉ có quy định tiêu chí lựa chọn, công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6.3.2018. Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, có thể có những người không có uy tín trong xã hội, trên truyền thông, không được cả nước biết đến, nhưng trong phạm vi hẹp hay trong những lĩnh vực chuyên môn họ rất hiểu biết, có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, dự thảo Luật cần có quy định xác định cụ thể “người có uy tín trong xã hội” để tránh định tính, ông Mạnh đề nghị.
10 năm kinh nghiệm – có cần thiết?
Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Thương mại Tài chính (FCCA), Giám đốc Công ty Luật TNHH TNJ cho rằng, dự thảo Luật quy định đối với luật sư, tiêu chuẩn “có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác” là không rõ nghĩa. Bởi với quy định, “lĩnh vực công tác” có thể được hiểu rằng luật sư có thâm niên nghề 10 năm, còn các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên khi được “phiên” ngang sang nghề luật sư thì không được tính vào thâm niên nghề luật sư thời gian nơi mình đã công tác nghề khác. Do đó, cần nghiên cứu để sửa đổi, quy định đối với luật sư thì tiêu chuẩn “có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp” sẽ hợp lý hơn.
Phân tích về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chỉ rõ, Điều 68, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 chỉ yêu cầu điều kiện bổ nhiệm thẩm phấn sơ cấp là “có thời gian làm công tác pháp luật từ 5 năm trở lên”. Đồng tình với hòa giải viên phải là những người có kinh nghiệm nhất định, song luật sư Trương Thanh Đức đề nghị, không nên yêu cầu kinh nghiệm là 10 năm như dự thảo Luật mà chỉ cần quy định kinh nghiệm từ 3-5 năm là phù hợp.
Cùng góc nhìn này, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty hợp danh Thiên Thanh đưa ra dẫn chứng, Điều 7, Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định: Người được làm hòa giải viên thương mại có đủ tiêu chuẩn, trong đó có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 2 năm trở lên. Như vậy, đối với lĩnh vực đặc thù đòi hỏi trình độ chuyên ngành khá cao như thương mại thì tiêu chuẩn cũng chỉ là đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực là 2 năm. Thực tế thời gian thí điểm vừa qua cho thấy, số lượng hòa giải viên tại các trung tâm hòa giải trực thuộc tòa phần lớn do các luật sư của các đoàn luật sư tại các địa phương đảm nhận theo yêu cầu của tòa án, ông Truyền nói.
Để xây dựng đội ngũ hòa giải viên đủ trình độ, năng lực, việc đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc các điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên, tránh tình trạng quá “nặng” về điều kiện mà bỏ lỡ không thu hút được những người có năng lực thực sự. Bởi ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết nghề nghiệp, kỹ năng thực tế của hòa giải viên sẽ đóng góp rất quan trọng vào hiệu quả của công tác hòa giải tại tòa án.
Hà An
——————
Đại biểu Nhân dân (Diễn đàn ĐBND) 03-10-2019:
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=426583
(102/1.227)