(LĐ) – Tại Hà Nội, có 92 dự án được chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng và tổ chức tín dụng bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Đáng chú ý, trong danh sách này có cả những dự án chung cư đã đưa dân vào ở khiến cư dân chung cư đứng ngồi không yên vì không làm được sổ hồng, lo sợ mất tài sản. Về việc này, các luật sư cho rằng, cơ quan quản lý vào cuộc quá chậm, không dứt khoát. Bởi vậy, người mua nhà phải kiện chủ đầu tư, ngân hàng ra toà để bảo vệ quyền lợi của mình.
Về ở 5 năm vẫn chưa nhận được sổ hồng
Trao đổi với PV Lao Động, đại diện cư dân chung cư Westa (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cư dân toà chung cư này nhận bàn giao căn hộ từ năm 2014 và đến nay dự án đã có 275 trên tổng số 300 căn hộ có người về ở. Tuy nhiên, hiện họ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng). Gần đây, qua thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, cư dân mới được biết nguyên nhân là chủ đầu tư đang thế chấp cả toà nhà trong ngân hàng”. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị làm sổ hồng nhưng mọi chuyện kéo dài hết năm này qua năm khác. Trong khi đó, cư dân gặp khó khăn trong việc chuyển nhượng căn hộ hoặc thế chấp để vay ngân hàng” – anh Thắng – một cư dân – trao đổi với PV Lao Động.
Đây không phải trường hợp hiếm gặp, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội mới đây vừa công bố, đến ngày 23.8 có 92 dự án tại Hà Nội được chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng và tổ chức tín dụng bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai thuộc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP.Hà Nội.
Một loạt dự án của những “đại gia” bất động sản cũng nằm trong danh sách này như Công ty Cổ phần Hải Phát thế chấp quyền sử dụng đất 59 căn nhà ở thấp tầng và công trình hỗn hợp cao tầng tại dự án Hải Phát Plaza (Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Chủ đầu tư này cũng đang thế chấp tài sản với quyền sử dụng đất dự án tại Phú Lãm, quận Hà Đông; dự án tại đoạn Cầu Chui – Cầu Đông Trù, Long Biên. Một loạt dự án khác đã đi vào bàn giao cũng nằm trong danh sách này như Công ty TNHH Đầu tư toàn cầu Tràng An thế chấp một phần dự án Tràng An Complex tại Phùng Chí Kiên (Cầu Giấy), Công ty Địa ốc MB thế chấp dự án Golden Field Mỹ Đình…
Ngoài ra, nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp giá rẻ cũng nằm trong danh sách này như Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng NHS thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn thế chấp dự án xây dựng chung cư nhà ở xã hội cán bộ chiến sĩ Bộ Công An tại số 282 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân…
Theo quan sát của PV Lao Động, trong bản “danh sách chủ đầu tư đã đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai” mà Văn phòng đăng ký đất đai vừa công bố, chỉ có tên chủ đầu tư, tên dự án và tài sản thế chấp mà không nêu rõ chủ đầu tư đã thế chấp ở thời điểm nào, số tiền định giá tài sản thế chấp.
Kiện cả chủ đầu tư, ngân hàng ra toà
Theo Luật Nhà ở năm 2014, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp tại ngân hàng và tổ chức tín dụng dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tuy nhiên, trước khi bán căn hộ, nhà ở cho khách hàng, chủ đầu tư phải giải chấp căn hộ đã được cầm cố.
Nói về những rủi ro mà khách hàng gặp phải khi mua các dự án nhà ở đã thế chấp ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – nhận định, khi xảy ra vướng mắc, tranh chấp, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời, cần thiết thì người dân có thể kiện ra tòa. “Tòa án cũng cần phải có những bản án tuyên bố rất rõ ràng, thành những tình huống điển hình, giống như án mẫu, án lệ, làm cho những chủ đầu tư khác, ngân hàng, người dân thấy rõ vấn đề và yên tâm” – Luật sư Đức nói.
Về vai trò và trách nhiệm của ngân hàng khi xảy ra tranh chấp, Luật sư Đức phân tích, ngân hàng đồng ý cho chủ đầu tư bán mà không qua giải chấp thì ngân hàng và chủ đầu tư phải tự giải quyết với nhau. Nếu có rủi ro xảy ra, ngân hàng và chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm, còn người dân sẽ được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Luật sư Vũ Văn Biên – Giám đốc Văn phòng luật sư An Phước – cho rằng, để hạn chế tối đa những rủi ro mà khách hàng phải gánh chịu, cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cần minh bạch, công khai thông tin những dự án đang bị thế chấp. “Cơ quan quản lý phải thấy việc công khai phải rõ ràng, chi tiết và cập nhật thường xuyên để người dân nắm rõ chứ không phải công khai một cách chung chung, chỉ nêu mỗi tên dự án như các lần gần đây”.
THÔNG CHÍ
——————
Lao động (Bất động sản) 03-10-2019:
(192/1.115)