(DĐDN) – Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư có nội dung đưa ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Bộ Kế hoạch – Đầu tư, vẫn đang lấy ý kiến Dự thảo luật Đầu tư sửa đổi. Tại Dự thảo lần này bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước.
Không ngăn chặn được các hành vi bạo lực, tội phạm
Cơ quan soạn thảo giải thích, việc cấm đầu tư kinh doanh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này, hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.
Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đề xuất này chẳng những không ngăn chặn được các hành vi bạo lực, tội phạm mà còn có thể khiến việc quản lý của nhà nước trở nên khó khăn, phức tạp hơn.
“Thực tế, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp đối với ngành dịch vụ này cũng vẫn có. Nếu chúng ta cấm hoàn toàn ngành nghề kinh doanh đòi nợ thì sẽ nảy sinh những hoạt động chui, khi đó, việc quản lý sẽ càng trở nên khó khăn.
Hơn nữa, đối với những giao dịch có trị giá thấp, những giao dịch nhỏ lẻ thì việc sử dụng dịch vụ kinh doanh đòi nợ còn làm giảm áp lực lên tòa án”, ông Chương nói.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thể hiện một tín hiệu xấu với môi trường kinh doanh.
“Tôi không hiểu tại sao, ban soạn thảo lại đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi mà các nước trên thế giới hầu như không nước nào cấm dịch vụ này. Hơn nữa, tại Việt Nam cùng lắm cũng chỉ có vài chục hoặc đến trăm công ty đòi nợ thuê, không nhẽ chúng ta không quản nổi vài chục hay trăm công ty này hay sao?”, ông Huỳnh đặt vấn đề.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách về kinh doanh đòi nợ
Trước câu hỏi làm thế nào để có thể quản lý được các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Luật sư Chương khẳng định thay vì cấm, nên đưa ra thêm các quy định khắt khe để siết chặt dịch vụ đòi nợ như nâng cao vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp so với quy định chỉ ở mức 2 tỉ đồng như hiện nay. Đồng thời quy định rõ về trách nhiệm giám sát, tạo công cụ cho cơ quan quản lý kiểm tra xử phạt. Đặc biệt đưa ra trách nhiệm cụ thể về tài chính, hành chính và cả hình sự với người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam thì nhìn chung, các quy định về ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ cơ bản đã có. Trong đó, có điều kiện về vốn, về người quản lý, giám đốc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cũng như tiêu chuẩn đối với người lao động trong dịch vụ đòi nợ tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
“Tuy nhiên, các chính sách này cần tiếp tục được hoàn thiện. Chẳng hạn cần bổ sung các quy định như trong Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Đây là một trong những điểm giống với các quy định của Úc về thời gian đôn đốc nợ.
Tuy nhiên họ nhân văn hơn là không đôn đốc nợ tại nơi công sở, công cộng để đảm bảo danh dự cho người vay. Ngoài ra cũng không đôn đốc nợ vào dịp tết hay ngày nghỉ lễ, một ngày chỉ được gọi số lượng cuộc gọi theo quy định, giờ nào được gọi, đến gặp mặt ở đâu, cách tiếp xúc như thế nào… đều được quy định rõ ràng, chi tiết, tránh các trường hợp ảnh hưởng đến trật tự và con người”, ông Đức nói.
Đồng thời, theo quan điểm của ông Đức, chúng ta cần nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan trực tiếp tham gia vào các trường hợp khi xảy ra rủi ro, nâng cao trách nhiệm với người dân hơn.
“Trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh việc bảo vệ con nợ và trật tự an toàn xã hội, Luật cũng phải đặc biệt chú ý bảo vệ quyền sở hữu nói chung, quyền của chủ nợ nói riêng. Toà án hiện nay cũng như nhiều năm nữa chưa thực sự làm tốt được điều này”, ông Đức nói.
Huyền Trang
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 21-10-2019:
https://diendandoanhnghiep.vn/cam-kinh-doanh-dich-vu-doi-no-khong-ngan-chan-duoc-cac-hanh-vi-bao-luc-toi-pham-159812.html
(332/930)