(VNF) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng “cần phải gấp rút sửa luật kinh doanh bảo hiểm để đặt doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng ở vào vị thế cân bằng hơn, chứ như hiện nay khách hàng ở vào thế yếu, đôi khi như là nhận ban ơn khi được bồi thường bảo hiểm”.
LS. Trương Thanh Đức.
Theo thông tin trước đó từ Báo Giao thông, cơ quan này đã nhận được đơn phản ánh của Công ty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Hiền Lương (Công ty Hiền Lương), có trụ sở tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình phản ánh sự việc bị từ chối bảo hiểm vô lý.
Cụ thể, Công ty Hiền Lương là chủ sở hữu máy đào đất bánh xích Komatsu PC350-8M0 được bảo hiểm tại Chi nhánh MIC Hà Sơn Bình theo Hợp đồng bảo hiểm số 3120/18/HD-KT.3/034-XCG. Số tiền bảo hiểm của hợp đồng là 2,9 tỷ đồng trên tổng giá trị bảo hiểm xấp xỉ 4,8 tỷ đồng (mua dưới giá trị bảo hiểm).
Sự kiện bảo hiểm xảy ra ngày 18/1/2019 khi chiếc máy xúc của Công ty Hiền Lương đang khai thác đá tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình thì bị đá lăn từ trên núi xuống đè vào xe gây hư hỏng toàn bộ. Công ty Hiền Lương đã thông báo ngay cho MIC và phối hợp đánh giá thiệt hại, cung cấp các tài liệu cho MIC theo yêu cầu.
Ngày 31/1/2019, MIC có văn bản số 246/2019/MIC-TGĐ thông báo từ chối bồi thường với lý do là đá lăn vào xe là “hành động bất cẩn cố ý của người được bảo hiểm”, thuộc điểm loại trừ của quy tắc bảo hiểm.
Phía MIC cho rằng máy xúc của Công ty Hiền Lương khi khai thác và xảy ra tai nạn do “Chiều cao tầng khai thác thực tế (31m) đang lớn hơn chiều cao xúc tối đa theo quy định sử dụng máy đào bánh xích Komatsu PC350-8M0 (14,2875m) là 16,7125” theo quy định.
Từ việc dẫn chiếu quy định này, MIC cho hay Công ty Hiền Lương đã có “hành động cố tình bất cẩn của lái máy” để từ chối bồi thường.
Tuy nhiên theo Công ty Hiền Lương, tổn thất máy Komatsu PC350-8M0 là sự kiện bất ngờ không lường trước được thuộc phạm vi bảo hiểm quy định tại trang 1 Bộ quy tắc bảo hiểm MIC và không nằm trong bất kỳ điểm loại trừ nào của MIC.
Công ty Hiền Lương cũng cho hay đã thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành liên quan tới việc An toàn trong khai thác và chế biến đá lộ thiên (TCVN 5178-2004) và An toàn trong khai thác mỏ lộ thiên (QCVN 04:2009/BTC) và cung cấp các giấy tờ theo đúng yêu cầu của MIC.
Phía công ty cũng khẳng định trong các thông báo trong năm 2018 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc tạm dừng 47 đơn vị khai thác mỏ đá, Công ty Hiền Lương không bị tạm dừng khai thác, cho thấy đơn vị đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn khai thác mỏ lộ thiên. Vì vậy việc bị từ chối bồi thường hoặc áp dụng chế tài là vô lý. Do đó Công ty Hiền Lương làm đơn khiếu nại gửi lãnh đạo cấp cao của MIC.
Được biết sau khi liên tục khiếu nại, ngày 10/5/2019, Công ty Hiền Lương nhận được văn bản số 101/2019/MIC-GĐBTTSKT của MIC xác định tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm, nhưng thông báo số tiền bồi thường chỉ là 415,8 triệu đồng (chưa bao gồm VAT) mà không kèm theo bất kỳ một cơ sở tính toán hay kết luận giám định nào để ra được số tiền bồi thường như trên.
Phía Công ty Hiền Lương cho hay, trong các văn bản đã giao kết giữa đôi bên, có một số điểm vô lý dẫn đến việc công ty này tiếp tục khiếu nại MIC lên cấp cao hơn.
Theo Công ty Hiền Lương, MIC đã vận dụng quy tắc không còn hiệu lực để từ chối bồi thường, sau đó lại đưa ra một mức bồi thường không thỏa đáng và yêu cầu cung cấp hồ sơ không rõ ràng tại công văn số 963/MIC-TGĐ.
Được biết sau nhiều lần gửi công văn khiếu nại, MIC đồng ý bồi thường với các mức khác nhau, từ 415 triệu đồng, đến 890 triệu đồng và hiện là 980 triệu đồng.
Về căn cứ khiếu nại trong vụ việc, luật sư Trương Thanh Đức phân tích: “Căn cứ khiếu nại của khách hàng sẽ dựa vào các yếu tố, thứ nhất là hợp đồng, thứ hai là quy tắc bảo hiểm, thứ ba là thông tư nghị định về bảo hiểm và cao nhất là Luật kinh doanh bảo hiểm. Nếu lần lượt soi chiếu các tài liệu này với sự kiện tổn thất mà thấy cam kết bị vi phạm, khách hàng bị từ chối bồi thường vô căn cứ thì có quyền khởi kiện ra tòa, thời hiệu khởi kiện là 3 năm tính từ ngày xảy ra tổn thất”.
“Thực tế ở ta nhiều năm qua, ngành kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ nhiều vấn đề bức xúc, tìm cách phủi tay, gây khó khăn hoặc từ chối trách nhiệm, quá nhiều vụ việc minh chứng”, Luật sư Trương Thanh Đức cho hay và khẳng định: “Cần phải gấp rút sửa luật kinh doanh bảo hiểm để đặt doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng ở vào vị thế cân bằng hơn, chứ như hiện nay khách hàng ở vào thế yếu, đôi khi như là nhận ban ơn khi được bồi thường bảo hiểm”.
Bảo Duy (TH)
——————
VietnamFinance (Tài chính tiêu dùng) 25-10-2019:
(296/1.027)