(CSND) – Trong những ngày gân đây, Cơ quan Công an đã ra cảnh báo người dân về những dấu hiệu lừa đảo qua ví điện tử Payasian (PayA), một loại ví điện tử được quảng cáo là có chức năng thanh toán trực tuyến mọi loại tiền tệ của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của ứng dụng này đang có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi vì tính đến thời điểm hiện tại, loại ví điện tử này vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp phép, số tiền nạp vào ví điện tử PayA không thể sử dụng. Việc lừa đảo bằng cách phát hành tiền ảo, huy động vốn theo hình thức đa cấp đã xuất hiện khá nhiều trên thế giới và Việt Nam thời gian qua, đặc biệt khi các đồng tiền ảo tăng giá mạnh và công nghệ blockchain được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Ứng dụng PayA gồm các chức năng: E-Wallet (ví điện tử thanh toán châu Á) chấp nhận các đồng tiền khác nhau và cả tiền điện tử; Exchange (trung tâm trao đổi tiền tệ); Payment (thanh toán Mobile – Internet).
PayA xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2019 và được quảng cáo có chức năng thanh toán trực tuyến mọi loại tiền tệ của các quốc gia trên thế giới, có tổng số lượng phát hành 21 tỷ đồng PAYA.
Trang web giới thiệu ví điện tử và tiền ảo Paya được thanh toán tại châu Á
Theo khai báo thì Công ty này có trụ sở tại 137 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TP. HCM. Nhưng thực tế, đây là trụ sở Công ty CP. EcoWorld. Công ty PayA chỉ thuê nơi đây để treo biển. Trong khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh theo mô hình bán hàng đa cấp, cũng như giấy phép cung cấp ví điện tử tại Việt Nam thì Công ty này đã quảng bá và tổ chức các buổi đào tạo rầm rộ thời gian qua. Tại các buổi thuyết trình giới thiệu của mình, Công ty PayA đều mời các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng nhằm tạo uy tín và thu hút hàng nghìn nhà đầu tư tham gia.
Một chương trình giới thiệu PayA có sự tham gia của những nghệ sĩ nổi tiếng
Theo quảng cáo được rêu rao trên các trang mạng xã hội thì PayA là loại ví điện tử không giới hạn biên giới, không giới hạn mọi loại tiền tệ, mọi môi trường sử dụng, quy đổi được tiền Việt Nam và 49 loại tiền tệ khác nhau. Để sử dụng được loại ví điện tử này, người dân chỉ cần 1 chiếc điện thoại smartphone, cài ứng dụng Payasian miễn phí, tạo tài khoản hoàn toàn miễn phí, có thể đổi tiền tại bất cứ vùng miền nào trên thế giới để thanh toán, có thể dùng để mua sắm, thanh toán bất cứ loại hàng hoá gì. Việc sử dụng ví điện tử PayA không khác gì các ví điện tử ở Việt Nam hiện nay nhưng người dùng còn được nhận thưởng cuối tháng từ tập đoàn, gồm 10% cho người thanh toán, 5% cho đại lý chập nhận thanh toán ví và 1% cho người kết nối.
Cũng theo lời quảng cáo, chỉ cần đầu tư mua đồng tiền ảo có tên là PayA ở trong ví điện tử PayA, vài năm sau người đầu tư sẽ nhận lãi “khủng”, ngoài ra còn nhận hoa hồng rất cao nếu mời thêm được nhà đầu tư mới.
Cụ thể, để tham gia người đầu tư chỉ cần đầu tư 2,5 triệu đồng mua đồng tiền ảo có tên là PayA ở trong ví, vài năm sau người đầu tư đã có tiền tỷ. Công ty này quảng bá tiền điện tử Paya đã được chào bán ra thị trường theo 5 giai đoạn với giá từ 0,03 – 0,05 USD/Paya và theo tính toán của công ty, đồng này sẽ có giá dự kiến trong năm 2019 từ 5 – 10 USD/Paya (tương đương mức tăng 200%). Việc tăng giá do đây là đồng tiền có giá trị thanh toán và ứng dụng cao, không chịu áp lực trả lãi, không ủy thác, không bị ảnh hưởng bởi giá Bitcoin và các đồng tiền ảo khác.
Ngoài việc cho lãi “khủng”, các nhà đầu tư còn nhận thêm cả hoa hồng rất cao nếu mời thêm được nhà đầu tư mới. Theo đó, khi mời được những người đầu tiên thuộc F1, người tham gia sẽ được 30% hoa hồng, mời được những người F2 sẽ được 20% số tiền bảo chứng của người sau theo hình kim tự tháp, tất cả hoa hồng đều được trả bằng tiền ảo…
Theo Luật sự Trương Thanh Đức, một chuyên gia có 30 năm kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng thì việc có 1 loại ví điện tử vừa có thể làm trung gian thanh toán, vừa chấp nhận được mọi loại tiền trên thế giới là điều không tưởng; cho đến thời điểm hiện tại thì bản thân các Ngân hàng cũng không thể làm được những viện như vậy, đây là một chuyện ảo tưởng. Cũng theo ông Đức, khi muốn giao dịch ngoại tệ, bản thân các Ngân hàng của Việt Nam cũng chỉ giao dịch một số loại ngoại tệ phổ biến, còn những loại tiền tệ gần như không có hoặc ít giao dịch trên thị trường thì các Ngân hàng cũng không cung cấp các loại ngoại tệ này.
Theo ông Phan Dũng Khánh, giảng viên Trường Doanh nhân Bizlight, hình thức lừa đảo này không mới khi dựa trên lòng tham của người khác. Vì vậy, khi tham gia đầu tư vào bất kỳ hình thức nào, người dùng nên cẩn trọng và xem xét, nhất là những lời hứa mang lại lợi nhuận cao. “Bất kỳ lợi nhuận nào mà người ta hứa hẹn cho bạn vượt quá 3 lần lãi suất ngân hàng đều có mùi lừa đảo. Bởi các ngân hàng vốn là nhà đầu tư tối thiểu ở cấp 6 (chưa nói đến ngân hàng đầu tư là ở cấp cao nhất là cấp 8) mà họ không thể trả cao hơn thì hà cớ gì những tay lạ ở đâu ra lại có thể hứa hẹn cho bạn mức lời khủng như thế được, dù họ có thể lập luận hợp lý cỡ nào đi chăng nữa cũng không đáng tin”, ông Phan Dũng Khánh nhấn mạnh.
Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong tổng số 30 tổ chức được cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán không phải ngân hàng, không có tổ chức nào có dịch vụ ví điện tử có tên gọi PayA. Điều đó đồng nghĩa với việc PayA chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, ngoài ra một Ví điện tử muốn được cấp phép hoạt động thì phải có số vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng (theo Giấy phép đăng ký kinh doanh thì Công ty PayA chỉ có vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, bằng 1/5 so với yêu cầu).
Theo Bộ Công thương, Công ty cổ phần PayaA chưa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Đồng thời, đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp của Công ty không phải là hàng hóa thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 40/2018/NĐ-CP (Theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp: Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm; doanh nghiệp muốn hoạt động bán hàng đa cấp phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp).
Như vậy, ví điện tử PayA hiện chưa được cơ quan chức năng cấp phép, số tiền nạp vào ví điện tử PayA không thể sử dụng. Hoạt động của Công ty cổ phần PayA có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an nhận thấy, Công ty PayA có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị người dân cảnh giác.
Bộ Công an cũng khuyến cáo mọi người dân nên cảnh giác trước các chào mời của Công ty điện tử PayA; các nhà đầu tư đã nạp tiền vào ví điện tử PayA có thể đến Cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo, cung cấp thông tin.
S.B
——————
Tạp chí Cảnh sát Nhân dân (An ninh – Trật tự) 03-11-2019:
http://csnd.vn/Home/An-ninh-trat-tu/6556/Canh-giac-voi-thu-doan-lua-dao-qua-vi-dien-tu-Payasian
(136/1.561)