(DĐDN) – Dù mới trải qua chưa đầy 3 năm thực thi nhưng Luật Đầu tư đã bộc lộ hàng loạt bất cập và chính những bất cập này đã trở thành rào cản khiến doanh nghiệp khó phát triển.
Cho đến nay, dù Dự thảo Luật Đầu tư đã hoàn thiện và theo tiến trình sẽ được mang ra thảo luận tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV nhưng câu chuyện giữ hay bỏ Luật Đầu tư vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi trong giới chuyên gia và luật sư.
Luật Đầu tư làm xấu môi trường kinh doanh?
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên kiến nghị bỏ Luật Đầu tư mới được đưa ra. Từ hơn 10 năm trước đã xuất hiện những ý kiến như vậy.
Kiên định với đề xuất phải bỏ hẳn Luật Đầu tư, trong suốt hơn 10 năm qua, Luật sư Trương Thanh Đức- Trọng tài Viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhìn nhận, cốt lõi của luật này là danh mục ngành, nghề đầu tư cấm kinh doanh.
“Trong khi đó, ngành nghề kinh doanh vốn được quy định trong các Luật Doanh nghiệp trước đây (Luật Doanh nghiệp 1999)”, ông Đức nhấn mạnh.
Từ phân tích này, luật sư Đức kiến nghị bỏ Luật Đầu tư, đồng thời chuyển mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp.
“Đương nhiên, mọi hoạt động đầu tư đều phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy… Đầu tư của doanh nghiệp là quyền tự chủ của doanh nghiệp, còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Do vậy, chuyển những nội dung cần thiết về đầu tư sang Luật Doanh nghiệp, có thể thêm một chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài”, ông Đức đề xuất.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn khẳng định, Luật Đầu tư đang chồng lấn lên rất nhiều Luật quan trọng khác và trở thành một trong những điểm nghẽn của môi trường kinh doanh bởi với những chồng lấn như thế thì doanh nghiệp không biết phải làm thế nào mới đúng, và làm như nào là sai?.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ví dụ: Tại Luật Nhà ở tại Điều 171.2: yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong Hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Luật Đầu tư tại Điều 33 quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…
Luật Đầu tư đã hết vai trò lịch sử?
Tại một cuộc hội thảo do VCCI tổ chức hồi tháng 2/2019, rất nhiều chuyên gia đã thẳng thắn khẳng định, Luật Đầu tư đã hết vai trò lịch sử.
Trước thực tế này, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam lo ngại mới hơn ba năm thực hiện kể từ tháng 7/2015, một lần nữa Luật Đầu tư 2014, đạo luật được cho là đầy tinh thần cải cách, đã lại được đòi hỏi phải sửa đổi.
“Cứ đà này, nhiều quy phạm pháp luật có nguy cơ biến thành giải pháp chính sách tình thế và thay đổi liên tục, phá vỡ tính ổn định của môi trường thể chế và trật tự pháp luật mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng. Hệ quả rất có thể trở thành hệ luỵ đối với mục tiêu chung là thu hút đầu tư cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, ông Lập nói.
Luật sư Đức cho rằng: Dù có sửa thế nào thì Luật Đầu tư vẫn gây ra những phức tạp và tạo xung đột với nhiều quy định pháp luật khác.Tình trạng này sẽ khó để cải thiện, dù cho Ban soạn thảo có nỗ lực đến thế nào đi chăng nữa.
“Vì vậy, tôi đề nghị bỏ Luật Đầu tư và viết lại Luật Doanh nghiệp, chuyển những nội dung cần thiết của Luật Đầu tư sang Luật Doanh nghiệp”, ông Đức nói trong một Hội thảo về việc sửa đổi Luật Đầu tư do VCCI tổ chức hồi tháng 2/2019.
Huyền Trang
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (KD&PL) 14-11-2019:
https://enternews.vn/tranh-cai-so-phan-luat-dau-tu-161394.html
(332/826)