(LĐ) – “Điều bất công ở chỗ khung xử phạt không tính theo giá trị, số lượng, tính chất, mức độ vi phạm và số lần tái phạm. Thực tế hiện nay có hàng triệu vi phạm, các giao dịch mua đổi ngoại tệ lên tới hàng triệu USD vẫn diễn ra mà các cơ quan chức năng không quản lý chặt chẽ”, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nói.
Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP, khung xử phạt từ 80 -100 triệu đồng cho hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, trong trường hợp anh C.R (Cần Thơ) đổi 100 USD mà bị phạt gấp 40 lần, ông đánh giá như thế nào về việc này?
LS Trương Thanh Đức: Mức độ xử phạt 90 triệu đồng cho hành vi đổi tiền 100 USD là quá nặng, bất hợp lý và bất công. Điều bất công ở chỗ khung xử phạt không tính theo giá trị, số lượng, tính chất, mức độ vi phạm và số lần tái phạm.
Nếu người dân đổi 1 USD hay hàng triệu USD vẫn áp dụng chung khung xử phạt từ 80-100 triệu đồng là điều bất hợp lý. Mức phạt cao đối với các tổ chức, doanh nghiệp thì không nói nhưng đối với cá nhân, việc đổi 1-100 USD, xét về tính chất không nghiêm trọng bằng các hành vi khách như gây tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm…
Theo tôi, mức phạt 90 triệu đồng áp dụng với anh C.R cần xem xét lại. Đây là mức phạt cao đối với một cá nhân.
Thưa luật sư, vậy trong trường hợp này nên xử lý như thế nào?
LS Trương Thanh Đức: Theo tôi, cần áp dụng linh hoạt các chính sách. Thực tế hiện nay có hàng triệu vi phạm, các giao dịch mua đổi ngoại tệ lên tới hàng triệu USD vẫn diễn ra mà các cơ quan chức năng không quản lý chặt chẽ. Có đến 90% khách du lịch nước ngoài đổi tiền ở các cửa hàng vàng bạc chứ không mua trong ngân hàng. “Đen” cho anh C.R bị bắt phạt nặng, nếu xét hành vi vi phạm không nghiêm trọng đến mức phạt 90 triệu. Tôi đặt câu hỏi vì sao UBND tỉnh Cần Thơ phạt 90 triệu đồng cho hành vi của anh C.R mà không phải là mức phạt 80 triệu đồng – mức thấp nhất trong khung xử phạt?
Tôi kiến nghị cần thay đổi quy định có các mức độ phạt từ vài triệu đồng đến trăm triệu đồng tuỳ theo mức độ vi phạm, số lượng vi phạm, số lần tái phạm, tịch thu tang vật tại hiện trường. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ có hình thức phạt cao hơn.
LS Trương Thanh Đức: Theo Pháp lệnh ngoại hối, nghị định và thông tư hướng dẫn, tất cả cửa hàng vàng bạc đá quý ở Việt Nam, không một cửa hàng vàng nào được phép bán ngoại tệ. Một số cửa hàng vàng được phép thu mua ngoại tệ nhưng chỉ là với tư cách đại lý của ngân hàng. Các cửa hàng này chỉ được phép thu mua ngoại tệ, rồi nộp về cho ngân hàng, tỷ giá sẽ thực hiện theo quy định ngân hàng nhưng không được phép bán ngoại tệ. Nhưng điều này người dân không biết. Ngay cả các cửa hàng vàng bạc tại Hà Trung có hiện tượng bán ngoại tệ, đó là vi phạm.
Theo ông, vì sao tỷ giá đổi ngoại tệ tại “thị trường chợ đen” cao hơn tại ngân hàng, nhưng người dân vẫn đổi tiền ở ngoài ?
LS Trương Thanh Đức: Đây chính là lỗi của chính sách. Để mua ngoại tệ trong ngân hàng, người dân phải chứng minh mình có nhu cầu chính đáng như đi du lịch, chữa bệnh, du học…Kể cả có nhu cầu mua chính đáng thì người dân cũng chỉ được mua ngoại tệ với số lượng ít. Ví dụ, hiện nay khách đi du lịch được phép mua tối đa 100 USD/ngày tại các ngân hàng, kèm theo đó là xuất trình vé máy bay, hộ chiếu, giấy mời (nếu có) và chỉ được mua ngoại tệ 2 ngày trước khi đi. Trong khi đó thực tế việc mua 100 USD/ngày là quy định tối thiểu ngân hàng bán ngoại tệ cho người dân chứ không phải như cách hiểu của một số ngân hàng thì đây là mức tối đa.
Thêm vào đó, mặc dù hiện nay lãi suất gửi tiết kiệm bằng USD là 0% nhưng người dân vẫn có nhu cầu tích trữ USD. Với nhu cầu này thì rõ ràng ngân hàng không cho mua. Ngay cả đối với các doanh nghiệp muốn mua USD để thanh toán các hợp đồng thì không ít doanh nghiệp đã chọn cách đem đổi tiền ở “chợ đen”.
Xin cảm ơn ông!
——————
Lao động (Kinh doanh) 24-10-2018:
https://laodong.vn/kinh-te/luat-su-truong-thanh-duc-muc-phat-90-trieu-dong-cho-viec-doi-100-usd-la-qua-nang-637760.ldo
(959/959)