(PL) – Trong thời gian qua, số lượng án TAND các cấp thụ lý ngày càng tăng, trung bình khoảng 500.000 vụ/năm. Trong đó, số vụ việc liên quan đến kinh doanh thương mại, tranh chấp phát sinh từ hoạt động tín dụng ngân hàng chiếm tỷ lệ cao. Việc xử lý, xét xử, hướng dẫn giải quyết những tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng tại nước ta.
Hoạt động tín dụng tại ngân hàng (ảnh minh họa)
Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án
Trong các hoạt động của tổ chức tín dụng thì hoạt động cho vay là hoạt động chủ yếu mang lại lợi nhuận cao. Bản chất của hoạt động trên chính là hoạt động kinh doanh tiền tệ.
Hoạt động này luôn chứa đựng nhiều rủi ro và tiềm ẩn những mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng tín dụng và dẫn đến xảy ra tranh chấp. Các tranh chấp tín dụng diễn ra ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn dẫn đến những tranh chấp yêu cầu Toà án giải quyết ngày một gia tăng. Cũng giống như các loại tranh chấp hợp đồng khác, các tranh chấp tín dụng có thể là tranh chấp dân sự hoặc tranh chấp kinh doanh, thương mại, đều có thể giải quyết bằng các phương thức thương lượng, hòa giải, Trọng tài và Tòa án theo quy định của pháp luật. Không có quy định cụ thể của pháp luật về việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng.
Tranh chấp tín dụng được giải quyết tại Toà án thì thuộc quyền giải quyết của Toà nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định tại điểm a và b, khoản 1, Điều 33 về “Thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”, BLTTDS năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 và điểm a và b, khoản 1, Điều 35 về “Thẩm quyền của TAND cấp huyện”, BLTTDS năm 2015, trừ trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức: Việc giải quyết tranh chấp bằng Toà án không phụ thuộc vào việc thoả thuận của các bên. Luật quy định, Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, hoặc có trụ sở có thẩm quyền giải quyết, trừ trường hợp các bên có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn giải quyết tranh chấp theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 39 về “Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ”, BLTTDS năm 2015.
Riêng đối với Toà kinh tế thì khác với thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài là chỉ giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận, theo quy định tại khoản 1, Điều 30 về “Những tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án”, BLTTDS năm 2015.
Pháp luật về giải quyết tranh chấp tín dụng tại Tòa án là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại TAND.
Theo một Thẩm phán TAND TP Hà Nội, trong thực tiễn, hợp đồng tín dụng ngân hàng có nhiều vấn đề phức tạp và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro nên rất dễ dẫn đến tranh chấp của các bên trong hợp đồng. Khi lợi ích giữa các bên không đạt được, không thể cùng nhau thoả thuận thì thông thường bên bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp sẽ làm thủ tục khởi kiện ra Toà án để được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Những hạn chế trong xét xử
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, những năm gần đây, TANDTC không ngừng chú trọng, đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử nói chung và chất lượng giải quyết tranh chấp về hợp đồng tín dụng nói riêng.
Nghị quyết 42/2017/NQ-QH ban hành ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong quá trình giải quyết các tranh chấp về tín dụng của các tổ chức tín dụng được xem là bước tiến quan trọng trong hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu. Nghị quyết đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu như khẳng định quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng và công ty mua bán nợ, cho phép mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường.
Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 42, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đã ban hành một số Nghị quyết để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan trong lĩnh vực tranh chấp tín dụng, góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Trong một Hội thảo gần đây về vấn đề này, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết: Trong 5 năm gần đây với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng giải quyết tranh chấp tín dụng ngân hàng ngày một nâng cao, được đánh giá cơ bản đáp ứng yêu cầu của cá nhân tổ chức trong những trường hợp có tranh chấp phát sinh… Bên cạnh đó, cũng còn những tồn tại, hạn chế trong công tác xét xử những vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, vẫn còn những bản án bị hủy, bị sửa, có những sai sót trong quá trình xét xử…
Theo Phó Chánh án Nguyễn Thuý Hiền, thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như quy định pháp luật vẫn còn những lỗ hổng, có những điểm chưa phù hợp; năng lực xét xử của các Thẩm phán; việc thu thập chứng cứ phục vụ cho công tác xét xử còn có những khó khăn, đặc biệt là những thông tin về thực trạng sở hữu đối với bất động sản; việc kéo dài thời gian và qua nhiều cấp xét xử cũng làm cho quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng.
Một Thẩm phán của Tòa án cấp quận tại Hà Nội chia sẻ: Cơ sở để giải quyết tranh chấp về tín dụng hiện nay khá thuận lợi với hệ thống pháp luật có liên quan để giải quyết các tranh chấp được quy định tương đối rõ ràng, đầy đủ và cụ thể trong các văn bản luật và dưới luật về hoạt động cho vay tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn nhiều vụ tranh chấp kéo dài, qua nhiều lần xét xử vẫn chưa tìm được phương án giải quyết thoả đáng, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các bên.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, do việc nghiên cứu tài liệu, chứng cứ không đầy đủ, rõ ràng, đánh giá chứng cứ không đúng với sự thật khách quan… dẫn đến nhiều phiên toà vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và kết quả là bản án được tuyên bị huỷ vì vi phạm thủ tục tố tụng; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của
Toà án còn nhiều hạn chế…
Những khuyết điểm, tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó về nguyên nhân khách quan do số lượng các vụ án ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi một số quy định của pháp luật còn nhiều bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc chậm được hướng dẫn áp dụng.
Do vậy, đòi hỏi chất lượng áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án của Toà án cần phải có tầm cao hơn, triệt để hơn, cần thiết phải có các giải pháp tích cực, lâu dài nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp xảy ra.
Nhiều nguyên nhân khác nhau
Theo ThS. Nguyễn Văn Tiến – Thẩm phán TANDTC, những tồn tại hiện nay trong giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng còn xuất phát từ chính các tổ chức tín dụng khi thực hiện các hợp đồng tín dụng. Như về thủ tục cho vay, mỗi tổ chức tín dụng có quy trình, thủ tục khác nhau. Một số tổ chức tín dụng nhận thế chấp quyền sử dụng đất nhưng chỉ căn cứ trên giấy CNQSDĐ mà không tiến hành thẩm định thực tế đối với tài sản thế chấp. Và trên thực tế nhiều người thế chấp đã chuyển nhượng cho rất nhiều người, người thế chấp chỉ còn đứng tên trên giấy CNQSDĐ chứ không còn quản lý, sử dụng. Một số tổ chức tín dụng có thực hiện quy trình thẩm định trước khi cho vay nhưng do cán bộ tín dụng phụ trách trong quá trình thẩm định không thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ căn cứ vào lời khai của người vay rồi tiến hành ký kết hợp đồng. Qua thu thập chứng cứ phát hiện, tài sản thế chấp đã cầm cố, mua bán, tặng cho… hoặc có nhiều căn nhà, vật kiến trúc trước khi có hợp đồng thế chấp, điều này gây không ít khó khăn trong việc giải quyết vụ án.
Một vụ xét xử tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án quận Bình Thủy, Cần Thơ
Cũng theo ThS. Nguyễn Văn Tiến, trên thực tế các tổ chức tín dụng đều xây dựng cho mình quy trình thẩm định hồ sơ khách hàng một cách chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do sai sót của cán bộ các tổ chức tín dụng hoặc cán bộ tín dụng thông đồng với bên vay cố ý làm trái quy định dẫn đến nhiều trường hợp tài sản thế chấp không phải của người thế chấp, giá trị của tài sản thế chấp thấp hơn nhiều so với hợp đồng thế chấp, lập giải lập khống hồ sơ tín dụng…
TS. Trần Văn Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cho biết, một số tổ chức tín dụng khi ký kết hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình nhưng không yêu cầu toàn bộ thành viên có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình ký hợp đồng, hoặc một thành viên gia đình ký thay cho các thành viên còn lại… dẫn đến hợp đồng thế chấp bị người thứ ba tranh chấp.
Thực tế, nhiều tổ chức tín dụng không thông báo cho khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ… về nội dung bán nợ giữa tổ chức tín dụng với Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo TS. Trần Văn Hà, trong nhiều vụ việc, Tòa án giải quyết tranh chấp không được thông báo về nội dung mua bán này. Hoặc có trường hợp, tổ chức tín dụng sau khi bán nợ cho VAMC vẫn nộp đơn khởi kiện, tham gia tố tụng làm ảnh hưởng đến công tác xét xử của Tòa án, dẫn đến có vụ án phải hủy để giải quyết lại vì xác định không đúng tư cách đương sự.
Đề án hoàn thiện pháp luật về hợp đồng
Bộ Tư pháp và TANDTC đã phối hợp thực hiện một đề án nhằm hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, chi phí tuân thủ pháp luật thấp, góp phần giảm thiểu các tranh chấp hợp đồng và nâng xếp hạng chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi ở Việt Nam.
Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của Đề án là nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế về hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng; rà soát tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và luật mẫu, tập quán quốc tế phổ biến có liên quan.
Nhiệm vụ và giải pháp khác mà Đề án đưa ra là rà soát cụ thể, đánh giá pháp luật hợp đồng và đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật trong từng lĩnh vực liên quan. Theo đó, rà soát cụ thể, đánh giá pháp luật và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật hợp đồng trong lĩnh vực: Công thương, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; lao động, việc làm; kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán; tài nguyên – môi trường; xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản; tín dụng, ngân hàng; giao thông vận tải.
Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế về giải pháp hoàn thiện khung pháp luật hợp đồng, đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong mối quan hệ luật chung, luật riêng; hoàn thiện phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại, hòa giải thương mại và biện pháp đảm bảo hiệu quả việc triển khai thi hành pháp luật liên quan.
Bộ Tư pháp sẽ chủ trì rà soát, đánh giá tính tương thích của pháp luật Việt Nam về hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng với các điều ước quốc tế về hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và luật mẫu, tập quán quốc tế phổ biến có liên quan; rà soát cụ thể, đánh giá các quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng (bao gồm các quy định về hợp đồng liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ, hợp đồng liên quan công nghệ chuỗi khối (blockchain), hợp đồng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4…); xác định quy định mang tính nguyên tắc chung, cần có hướng dẫn cụ thể và đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn.
Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao chủ trì nghiên cứu và đề xuất Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành các án lệ, Nghị quyết hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Trọng tài thương mại liên quan hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng.
Với những quyết tâm và giải pháp tích cực mà TANDTC đã thực hiện thời gian qua và đề án này, có lẽ tới đây, chất lượng giải quyết các vụ án tranh chấp tín dụng tại Tòa án sẽ có những chuyển biến tích cực, góp phần lành mạnh thị trường tín dụng hiện nay.
Minh Khuê
——————
Tạp chí Pháp lý 17-11-2019:
http://phaply.net.vn/nang-cao-chat-luong-giai-quyet-tranh-chap-tin-dung-bang-toa-an/
(182/2.710)