Mức phạt lên tới 100 triệu đồng
UBND TP. Cần Thơ vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh N.C.R (sinh năm 1980, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) số tiền 90 triệu đồng về hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ ”.
Cơ sở thu mua 100 USD của anh R cũng bị phạt với số tiền 180 triệu đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tịch thu tang vật là 100 USD cùng số tiền 2.260.000 đồng (được quy đổi từ 100 USD của anh R)…
Trước đó, anh R bị lực lượng chức năng bắt quả tang khi đang đổi 100 USD tại một cơ sở kinh doanh nữ trang ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Thông tin này đã khiến nhiều người dân hoang mang, bởi hoạt động mua bán ngoại tệ hiện vẫn đang khá nhộn nhịp, trong khi người dân hầu hết đều “mù tịt” về quy định xử phạt.
Ông Trần Văn Hiền (Định Công, Hoàng Mai) bày tỏ băn khoăn: “Mỗi lần đi du lịch nước ngoài tôi vẫn thường ra cửa hàng mua cả nghìn USD để phục vụ chi tiêu nhưng chưa hề hay biết về việc sẽ bị xử phạt lên tới 90 triệu đồng”.
Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người dân. Ít người biết quy định về mua – bán ngoại tệ trái phép được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP đang áp dụng chế tài rất nặng cho hành vi vi phạm này.
Theo đó, Nghị định này quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Đối với hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật còn chịu mức phạt lên tới 200 đến 250 triệu đồng. Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ số ngoại tệ và tiền đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm.
Bình luận về trường hợp này, các chuyên gia pháp luật cho rằng đúng là nên có những chế tài để ngăn chặn tình trạng mua – bán ngoại tệ tràn lan như hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần xem xét lại quy định tại Nghị định 96, vì mức xử phạt đối với cá nhân mua – bán ngoại tệ như vậy là quá nặng.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thực ra Nghị định 96, mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi mua – bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu – đổi ngoại tệ đã giảm so với trước đó.
“Trước đó, theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm này bị phạt tới 500 triệu đồng, không có ngoại lệ. Đây là mức xử phạt cao nhất trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Tức là tất cả các hành vi vi phạm hành chính gì ghê gớm nhất cũng chỉ bị phạt bằng hành vi mua bán 1-2 USD” – luật sư Trương Thanh Đức nói.
Trên thực tế, cũng đã có một số doanh nghiệp từng bị phạt mức phạt 500 triệu đồng vì các hoạt động như thanh toán học phí, thu tiền dịch vụ của khách bằng ngoại tệ. “Đối với cá nhân, cũng từng có khách hàng rút 500 nghìn USD tại một ngân hàng, gọi cửa hàng vàng vào mua thì bị thu giữ toàn bộ số tiền USD và tiền VND tương ứng, cộng với phạt 500 triệu đồng…” – ông Đức cho hay.
Tuy nhiên, theo vị luật sư, đa phần người dân không biết về quy định này. Ông cho rằng Nghị định 96 nên xem xét lại, theo hướng tập trung xử phạt đơn vị mua – bán ngoại tệ trái phép thay vì phạt nặng người dân như hiện nay. Bởi xét mặt bằng chung, hành vi vi phạm hành chính này không gây hậu quả nghiêm trọng.
“Xử phạt hành chính phải cân đối giữa các loại vi phạm. Nhiều vi phạm tày trời như vi phạm an toàn thực phẩm, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng… cũng chỉ bị phạt mức đó. Trong khi vi phạm mua – bán ngoại tệ so với mặt bằng vi phạm hành chính chung thì mức độ nghiêm trọng không gây hậu quả nghiêm trọng bằng. Tôi thấy quy định xử phạt với người dân như vậy quá nặng” – luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, ngay cả khi có biết về mức xử phạt này thì người dân khi mua – bán ngoại tệ cũng ít ai yêu cầu đơn vị kinh doanh xuất trình giấy tờ chứng minh có chức năng thu – đổi ngoại tệ như quy định hay không. Vì vậy, quy định xử phạt cá nhân như vậy là không hợp lý.
——————
An ninh thủ đô (Kinh doanh) 24-10-2018:
https://www.anninhthudo.vn/doi-100-usd-bi-phat-90-trieu-dong-chuyen-gia-noi-can-xem-lai-quy-dinh-post372208.antd
(424/913)