(DT) – Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc vi phạm pháp luật và bị phạt là đúng. Theo vị này, hình thức xử lý, cách thức phải làm sao để kết hợp giữa tính giáo dục và tính nghiêm minh của pháp luật.
Như đã thông tin, UBND TP.Cần Thơ vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Nguyễn Cà Rê (sinh năm 1980, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) số tiền 90 triệu đồng về hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ ”.
Trao đổi quan điểm về vụ viêc này PV bên hành lang Quốc hội sáng nay (24/10), ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hành vi mua bán ngoại tệ của ông Rê vi phạm quy định của pháp luật và việc UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt là đúng.
Theo ông Kiên, hình thức xử lý, cách thức phải làm sao để kết hợp giữa tính giáo dục và tính nghiêm minh của pháp luật.
“Nếu có sự tham gia ngay từ ban đầu của cơ quan chuyên môn là Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Cần Thơ sẽ tốt hơn. Nếu chỉ có các lực lượng chức năng khác, họ phải xử lý theo luật và việc xử lý đó là đúng. Chúng ta cứ quen hay nói với nhau vì tình hay lỗi như thế làm gì đến mức phạt đó, hoặc người dân có thói quen… tuy nhiên, theo tôi không nên nói như vậy, bởi khi xây dựng một Nhà nước pháp quyền phải hoạt động theo luật”, ông Kiên nói.
Ông cho rằng, cơ quan có thẩm quyền ở đây có khuyết điểm và cần rút kinh nghiệm bởi chưa tuyên truyền rõ cho người dân về các quy định của pháp luật.
“Không thể nói chúng ta, mọi người đều mua bán như thế, bởi nếu đều làm thì xây dựng luật làm gì và việc làm này là trái pháp luật”, ông nói thêm.
Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Hiệu phó trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, theo quy định, dù mua bán 10 USD hay 100 USD tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ cũng bị xử phạt.
“Việc cá nhân đổi ngoại tệ với nhau không nói làm gì, nhưng đây là cửa hàng kinh doanh vàng bạc nên phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về việc cấm mua bán ngoại tệ khi không được phép. Thành công của chúng ta trong việc quản lý tỷ giá ngoại hối, nhất là tỷ giá đồng USD trong thời gian qua chính do việc quản lý mua bán ngoại tệ, không để USD hóa”, ông nói.
Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc xử phạt là đúng nhưng cũng cần phải xem lại quy định để phù hợp hơn.
“Chính quyền hay lấy mức xử phạt thấp nhất, cao nhất áp dụng mà không cần tính đến răn đe nặng nhẹ gì. Trước đây xử phạt còn khủng khiếp hơn cơ. Tuy nhiên giờ đến lúc này phải xem lại quy định pháp luật, phải so với mức chung của quy định ngân hàng, vi phạm hành chính khác”, ông nói.
Ông Đức cho rằng, việc đổi 100 USD mà bị phạt tới 90 triệu đồng là “quá cao và vô lý”, không công bằng và không hợp lý.
“Quy định lại cào bằng giữa các bên vi phạm. Xử phạt người chuyên nghiệp, kinh doanh vi phạm hệ thống… thì còn chấp nhận vài trăm triệu nhưng với người dân họ chỉ đổi không phải 100 USD mà có khi thích tờ 2 USD đẹp mua cũng bị phạt 80-100 triệu đồng rồi. Hoặc anh có tờ 2 USD đuôi số đẹp mang đi bán thì cũng bị phạt theo quy định, rồi nếu thanh toán thậm chí còn phạt 250 triệu đồng…:”, ông Đức nói.
Ông Đức cũng bình luận thêm rằng: “Như vậy quá nghiêm khắc, vi phạm thì vi phạm rồi, phạt thì phải phạt nhưng đã đến lúc xem lại quy định. Như trường hợp này không tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm. Nhiều vấn đề vi phạm an ninh trật tự, độc hại, nguy hiểm, vi phạm giao thông, thực phẩm… phạt vài triệu, vài trăm nghìn”.
Phương Dung
——————
Dân trí (Kinh doanh) 24-10-2018:
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doi-100-usd-bi-phat-90-trieu-dong-dai-bieu-quoc-hoi-binh-luan-gi-2018102415304035.htm
(285/807)