(MTG) – Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng cho rằng: “Nếu nâng mức trần chi phí lãi vay lên 30% sẽ cao hơn mức huy động lãi suất ngân hàng thì DN sẽ thấy thỏa đáng”.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng – Ảnh: VGP
Ngày 29.11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về việc sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp (DN) để nộp thuế theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, khoản 3, Điều 8 của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.
Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trước yêu cầu khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 20 với các nội dung phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến cáo của OECD.
Theo đó, từ 1.5.2017 tới hết năm 2018, đã có khoảng 11.970 đơn vị kê khai quan hệ liên kết. Trong đó, năm 2017 có 6.604 đơn vị và năm 2018 là 7.785 đơn vị phát sinh giao dịch liên kết và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 85% (còn lại 15% là DN trong nước có phát sinh giao dịch liên kết-PV).
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho biết có bất cập là phạm vi đối tượng áp dụng rộng, áp dụng cho tất cả các đơn vị có giao dịch liên kết; gây khó cho các hoạt động của DN trung chuyển vốn vay-cho vay lại (holding), hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty ở trong nước…
Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam nêu, Chính phủ cho phép công ty mẹ EVN là chủ thể vay để cho vay lại tới các tổng công ty phát điện (GENCO).
“Bản chất mối liên kết này không phải EVN vay về để cho vay lại nhằm mục đích chuyển giá theo tinh thần Nghị định 20. Nhưng theo Nghị định 20 thì EVN phải nộp thuế là không hợp lý, dẫn đến EVN buộc phải nộp thuế tăng 500 tỉ đồng”, ông Nam nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội Trần Quang Chiểu bày tỏ ủng hộ Nghị định số 20 có tác dụng rõ ràng về chống chuyển giá.
“Nói Nghị định 20 như một tội phạm trong cản trở phát triển kinh tế, tôi không đồng ý. Nếu không có quy định này, tôi xin khẳng định diễn biến (chuyển giá-PV) phức tạp hơn rất nhiều”, ông nói và nhấn mạnh từ khi có Nghị định 20, việc chuyển giá, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đối với doanh nghiệp FDI hầu như không phát sinh.
Ông Trần Quang Chiểu cũng chỉ ra: “Thực trạng trong nước, cùng một tỷ lệ thuế suất, vẫn có hiện tượng chuyển giá, như giữa trong khu chế xuất và ngoài khu chế xuất, trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp, 2 doanh nghiệp hoạt động trong 2 chế độ khác nhau, nơi thuế thu nhập 20%, nơi chỉ có 10%. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 20 là hoàn toàn đúng pháp luật, phù hợp, đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên, đồng tình với những khó khăn của DN khi áp dụng Nghị định 20, ông Chiểu cho rằng Chính phủ chỉ cần tập trung xử lý số lượng 15% là các DN trong nước trong tổng số các giao dịch liên kết hiện nay.
Hướng sửa theo ông Chiểu là nâng chi phí mức lãi vay từ 20% như hiện nay lên 30% và kèm theo điều kiện loại trừ một số trường hợp và cho phép hạch toán chi phí lãi vay vào số lỗ được chuyển giao theo quy định pháp luật về thuế thu nhập DN.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng cho rằng: “Nếu nâng mức trần chi phí lãi vay lên 30% sẽ cao hơn mức huy động lãi suất ngân hàng thì DN sẽ thấy thỏa đáng”.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, những bất cập phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng.
“Sửa Nghị định 20, tập trung vào khoản 3, Điều 8 là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi về chính sách thuế cho DN nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chống chuyển giá”, Phó thủ tướng nói và đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi theo quy trình rút gọn, không chờ Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện toàn diện Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời bảo đảm kịp thời gian quyết toán thuế năm 2019.
Nội dung sửa đổi tập trung vào các bất cập hiện nay như quy định khống chế mức chi phí lãi vay đối với các DN có giao dịch liên kết, phạm vi áp dụng, đối tượng đặc thù…
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắc nhở Bộ Tài chính tiếp tục củng cố các quy định về chống DN “vốn mỏng”, “tay không bắt giặc” tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Trong một cuộc trao đổi với phóng viên, LS. Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, quy định này không hợp lý. Trường hợp doanh nghiệp thật sự phải chi trả chi phí lãi vay cao hơn tỷ lệ khống chế nói trên thì quy định của nghị định là trái luật, vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Cụ thể là vi phạm một trong các quyền của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3, điều 7 về “Quyền của doanh nghiệp” trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 là “Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn”.
Bên cạnh đó, quy định “tổng chi phí lãi vay”, “không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần…” không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”.
Ông Đức chia sẻ, nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu. Trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và các cá nhân, doanh nghiệp khác. Do đó, nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận.
Yếu tố bất hợp lý tiếp theo là trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Chẳng hạn như công ty mẹ ở nước ngoài cho công ty con ở Việt Nam vay vốn tính lãi suất quá cao, dẫn đến công ty ở Việt Nam bị giảm thu nhập, nên không phải nộp hoặc nộp thuế quá thấp.
Luật sư từ ANVI cũng cho rằng quy định này áp dụng không hợp lý. Theo đó, để tránh vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử, nên quy định về “đối tượng áp dụng” của nghị định này là gồm doanh nghiệp thuộc mọi loại hình và tính chất. Tuy nhiên về thực chất, nghị định này chủ yếu nhằm vào mục tiêu chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
“Khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, trong mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau, về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam”, ông Đức nói.
Lam Thanh
——————
Một Thế giới (Tài chính – Đầu tư) 30-11-2019:
(496/1.525)