(SKCĐ) – Vay nhanh, vay dễ, không cần gặp mặt nhưng vay tiền qua app mức lãi suất còn tàn khốc hơn cả tín dụng đen ngoài đời, với lãi suất cao phi lý, khiến nhiều người rơi vào thảm cảnh.
Bộ Công Thương cảnh báo với ‘bẫy tín dụng thời công nghệ’.
Chị Nguyễn Thanh Ngân, ở xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, kể rằng, cách đây 6 tháng, chị tình cờ nhận được tin nhắn cho vay tiền qua ứng dụng trên điện thoại di động, với lời giới thiệu hấp dẫn như: chỉ cần chuyển bản chụp giấy CMND, số tài khoản, không cần thế chấp, nhận tiền nhanh, lãi suất thấp, giao dịch qua điện thoại, nhận và trả tiền qua tài khoản,… nên chị đồng ý vay 5 triệu đồng, thời hạn 1 tháng. Sau khi hoàn tất thủ tục, tiền được chuyển ngay vào tài khoản cho chị.
Thông tin trên Vietnamnet cho biết, chị Ngân vay 5 triệu đồng, nhưng khi giải ngân chị chỉ được nhận 3 triệu, 2 triệu đồng bị trừ gồm lãi suất của 1 tháng và phí các loại. Để trả dứt số nợ trong vòng 1 tháng, chị Ngân sẽ phải thanh toán đủ 5 triệu đồng.
Hết 1 tháng, do chưa có tiền thanh toán, chị Ngân liên tục nhận được điện thoại của “nhân viên tín dụng” truy đòi nợ. Sau đó, các nhân viên này gợi ý chị vay của app khác, lấy tiền trả nợ. Cứ thế chị Ngân bị đưa vào “tròng”, tiếp tục vay của các app sau để trả cho khoản vay trước. Tới nay số tiền gốc và “lãi” mà chị còn nợ là 90 triệu đồng dù trước đó chị đã trả được 60 triệu đồng.
Chị Ngân cho biết, khi vay tiền chị phải cho phép ứng dụng truy cập danh bạ, hình ảnh, cuộc gọi,… trong điện thoại của mình. Vì vậy, cứ không trả nợ đúng hẹn thì số điện thoại của chị, người thân trong gia đình, bạn bè liên tục bị khủng bố với những lời lẽ đe dọa, chửi rủa.
Đã có trường hợp phải tự tử để thoát nợ khi vay qua app. Chị Phạm Thị Tuyết Mai (24 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) vay 8 triệu đồng từ app, sau đó phải trả gần 200 triệu đồng, cũng đã bị dụ với hình thức trên. Ban đầu, chị Mai vay 8 triệu đồng từ 4 app khác nhau. Nhưng đến hẹn không có tiền thanh toán, chị được giới thiệu vay các app khác để trả nợ. Từ 4 app vay tiền ban đầu, khoảng 2 tháng sau, chị Mai đã phải vay 64 app khác nhau.
Chỉ từ vay 8 triệu đồng ban đầu, chị Mai đã phải vay hơn 200 triệu đồng trả nợ các app nhưng vẫn còn nợ gần 100 triệu đồng. Chịu không nổi với những khoản nợ từ trên trời rơi xuống, ngày 26/8/2019, chị Mai uống thuốc trừ sâu tự tử mong thoát kiếp bị truy đòi nợ nần, nhưng được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện cứu chữa kịp thời.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thời gian gần đây tiếp nhận nhiều khiếu nại liên quan đến giao dịch vay tiền trực tuyến.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, có nhiều mô hình cho vay online, cho vay trực tuyến đang hoạt động tại Việt Nam. Đối với các mô hình này, hiện chưa có các quy định Pháp luật để phân loại rõ ràng, cụ thể. Do vậy, việc giao dịch với các mô hình này có thể tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt trong trường hợp giao dịch với các đơn vị “trá hình”, “tín dụng đen núp bóng”.
Từ thực tế đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng, cân nhắc kỹ về việc sử dụng dịch vụ này.
Cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng khi giao dịch vay tiền trực tuyếnẢnh minh họa.Trong trường hợp quyết định sử dụng, người tiêu dùng cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có thể hiện đầy đủ thông tin, ví dụ: website hoặc ứng dụng của đơn vị đó phải có đầy đủ các thông tin về: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại… Ngoài ra, website hoặc ứng dụng phải thể hiện rõ các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch, ví dụ: Công bố rõ ràng chính sách bảo vệ thông tin, mẫu hợp đồng, biểu phí, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…
Các giao diện website hoặc ứng dụng không hiển thị đầy đủ các thông tin nêu trên có dấu hiệu là đơn vị kinh doanh không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Việc đơn vị cho vay có cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng tham khảo trước khi xác nhận giao dịch hay không là tiêu chí để đánh giá mức độ uy tín của đơn vị cho vay.
Đặc trưng của các dịch vụ cho vay trực tuyến là lãi suất cho vay và các mức phí kèm theo thường rất cao. Do vậy, để tránh các phát sinh nằm ngoài dự kiến, người tiêu dùng cần biết rõ các mức lãi suất, các mức phí và các chi phí có thể phát sinh trong những trường hợp cụ thể (trả nợ trước hạn, chậm trả, gia hạn thời gian vay, phí tư vấn dịch vụ…).
Trong quá trình tìm hiểu các thông tin nêu trên, người tiêu dùng cần đảm bảo việc lưu giữ thông tin để có cơ sở đối chiếu khi phát sinh tranh chấp. Ví dụ, có nhiều trường hợp người tiêu dùng nghe nhân viên tư vấn qua điện thoại nhưng không kiểm tra lại nội dung hợp đồng trước khi ký, dẫn đến, khi có tranh chấp phát sinh mới phát hiện nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn.
Sau khi ký hợp đồng, nếu đơn vị cho vay không gửi hợp đồng hoặc không có thông tin hướng dẫn người tiêu dùng cách thức tải về, tham khảo hợp đồng đã ký thì người tiêu dùng cần ngay lập tức liên hệ và yêu cầu đơn vị cho vay cung cấp bản sao hợp đồng đã ký.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhận xét, hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý cho hình thức vay tiền qua app. Do đó, về cơ bản người đi vay tiền thông qua app chính là tham gia tín dụng đen. Mức lãi suất cuối cùng của hình thức cho vay này cao một cách phi thực tế.
Trước sự tung hoành của các công ty cho vay trực tuyến, các chuyên gia kinh tế cho rằng kiểm soát chặt là điều cần thiết, đồng thời nhanh chóng xây dựng chính sách pháp luật để quản lý loại hình này. Hiện hoạt động cho vay qua app không hề được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, chủ yếu đăng ký dưới dạng công tư vấn đầu tư, môi giới tài chính. Cho vay nhanh, vay dễ, không cần gặp mặt đã phát triển rầm rộ và đang gây ra nhiều tiêu cực trong đời sống xã hội.
Hoàng Linh
——————
Sức khỏe Cộng đồng (Tin tức 24h) 06-12-2019:
https://baosuckhoecongdong.vn/bo-cong-thuong-canh-bao-voi-bay-tin-dung-thoi-cong-nghe-144080.html
(62/1.285)