(DĐDN) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng việc ban hành quy định về thanh toán không dùng tiền mặt dưới hình thức Nghị định là không hợp lý.
Ông Đức cho rằng những quy định tại Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt chỉ nên coi là giải pháp tạm thời.
Dự thảo có quy định liên quan đến việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, gồm cả việc hạn chế sử dụng ngoại hối tức là hạn chế quyền của công dân. Quy định này, ông Đức cho rằng cần phải được quy định cụ thể trong luật.
“Vấn đề trên liên quan trực tiếp đến nước ngoài, thì văn bản dưới luật không bảo đảm cơ sở pháp lý cần thiết”, ông Đức nói.
Hơn nữa, theo quan điểm của ông Đức nếu giao dịch dân sự vi phạm các điều cấm trong Pháp lệnh và Nghị định thì sẽ không bị vô hiệu như trước đây. Hiện nay giao dịch dân sự chỉ vi phạm điều cấm của Luật thì mới bị vô hiệu theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 117 về “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự”.
Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng Luật Thanh toán, cùng với Luật Ngoại hối, vì là những vấn đề đặc biệt quan trọng (nhất là liên quan đến ngoại hối và thanh toán quốc tế).
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ có kế hoạch xây dựng Dự án Luật Các hệ thống thanh toán” trong giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 7/1/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành “Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2030”.
Nghị định hiện hành cũng như Dự thảo có quy định về ngoại tệ, ngoại hối và séc, nhưng không thấy căn cứ vào Pháp lệnh Ngoại hối năm 2006, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005, trong đó có riêng 1 Chương, với 18 điều quy định về Séc.
Hiện nay, có 2 Nghị định về thanh toán là Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt và Nghị định về Thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lúc chờ đợi việc xây dựng Luật Thanh toán và Luật Ngoại hối, ông Đức cho rằng cần xây dựng 1 văn bản chung về thanh toán, vì 2 Nghị định này giống nhau về đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm 3 nhóm chỉnh là: Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh toán.
Huyền Trang (ghi)
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 11-12-2019:
https://diendandoanhnghiep.vn/luat-su-truong-thanh-duc-can-xay-dung-luat-thanh-toan-va-luat-ngoai-hoi-163120.html
(527/527)