Cần làm rõ nội hàm tiền di động
Ngày 11/12, Ngân hàng Nhà nước và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo nghị định quy định thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đóng góp cho dự thảo.
Về cơ bản các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng việc ban hành nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP là việc làm cần thiết và kịp thời để giải quyết các vấn đề bất cập đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cũng như có các giải pháp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nhằm ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo vẫn còn một số điểm thiếu rõ ràng, chưa thực sự thuyết phục và cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh. Một trong số đó là những quy định về tiền điện tử và khái niệm mới là tiền di động.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: D.T |
Theo quy định tại dự thảo, tiền điện tử là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm: thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động.
Tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.
Góp ý về quy định này, đại diện Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho rằng, với định nghĩa về tiền di động theo như dự thảo thì tiền di động có thể được hiểu là một loại/hình thức tiền tệ. Mặt khác, tiền điện tử được định nghĩa trong cùng dự thảo là “giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm: thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động”.
Như vậy, theo định nghĩa này thì rõ ràng tiền di động lại không phải là một loại/hình thức tiền tệ, mà chỉ là một đại lượng thể hiện/thước đo giá trị của tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử. Nhưng nếu chỉ là (thước đo) giá trị thì tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hay bất cứ tổ chức nào khác cũng không thể “phát hành” được tiền di động, như nêu trong dự thảo..
Từ phân tích trên, theo đề xuất của Techombank, ban soạn thảo cần xem xét làm rõ một số vấn đề trong dự thảo như, tiền di động có phải là một loại tiền tệ hay không?; các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành tiền di động theo cơ chế, cách thức nào?; cách thức vận hành của tiền di động?
Đối với quy định về tiền điện tử, đại diện Techcombank góp ý, ban soạn thảo cần sửa đổi lại dự thảo theo hướng quy định rõ tiền điện tử được sử dụng trong thanh toán hợp pháp ở Việt Nam phải là tiền được số hóa từ tiền đồng và việc phát hành phải thông qua nối kết với tài khoản ngân hàng (để đảm bảo nguyên tắc không dùng tiền mặt và đáp ứng các quy định về phòng chống rửa tiền…). Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm quy định để bảo đảm xác định đúng và phân biệt rõ giữa tiền điện tử (loại tiền hợp pháp) và tiền ảo/tiền mã hóa (chưa được công nhận hợp pháp). Ngoài ra, cần cân nhắc bổ sung các quy định nhằm tăng cường các hình thức bảo mật, bảo đảm an toàn cho người dùng tiền điện tử.
Cũng góp ý về khái niệm mới “tiền di động”, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, khái niệm “tiền di động” là không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với tính chất quan trọng nhất của tiền tệ là tính lưu thông hay là lưu động, di động, mà vế kia của nó hoàn toàn không có sự tương ứng là “tiền cố định”. “Vì vậy, cần sửa lại khái niệm này, chẳng hạn như “tiền điện tử trên thuê bao di động” hay “tiền trên thuê bao di động” – ông Đức góp ý.
Thận trọng khi quy định phong tỏa tài khoản vi phạm pháp luật
Một trong những vấn đề nữa được các đại biểu tại hội thảo quan tâm là quy định phong tỏa tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật. Cụ thể, dự thảo nghị định bổ sung một trường hợp phong tỏa tài khoản đó là: “Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật”.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, phải hết sức thận trọng khi quy định điều này để tránh tình trạng bị lợi dụng gây rủi ro rất lớn cho các bên liên quan. Chẳng hạn như bên thanh toán đã chuyển tiền thành công, bên bán hàng hoàn toàn tin tưởng giao hàng, nhưng sau đó bất cứ khi nào cũng có thể bị phong tỏa tài khoản và không nhận được tiền.
Chia sẻ thêm, theo ông Đức, ý định cơ quan soạn thảo đưa ra quy định này có thể vì mục đích tốt, nhằm hỗ trợ khách hàng chuyển tiền nhầm lẫn (không phải lỗi của ngân hàng) nhưng khó khăn, thậm chí không thu hồi được tiền đã xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, quy định này chỉ hợp lý trong trường hợp ngăn chặn tội phạm thực sự hoặc cùng lắm là khi đã thực hiện lệnh chuyển khoản nhưng tiền vẫn chưa chuyển sang tài khoản của ngân hàng khác.
“Vì vậy cần bỏ quy định này hoặc diễn giải một cách cụ thể, để có thể bảo vệ được bên này nhưng đồng thời tránh gây rủi ro cho bên kia. Nhất là về nguyên tắc, thì việc rủi ro khi chuyển khoản nhầm lẫn thì đã có quy định khác của pháp luật xử lý, ví dụ như các quy định của pháp luật dân sự, hành chính và hình sự” – ông Đức khuyến nghị./.
——————
Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 11-12-2019:
(438/1.271)