(ĐBND) – “Quy định tại Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 áp trần chi phí lãi vay không phân biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước là rất cứng nhắc, cào bằng theo kiểu thấy một người đau mắt nhưng bắt cả làng đeo kính. Cách quản lý này sẽ chỉ có lợi cho cơ quan quản lý, nhưng khiến cộng đồng doanh nghiệp bế tắc”, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Thiếu rõ ràng khiến doanh nghiệp lúng túng
“Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng ngày 9.1.2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã định hướng năm 2018, toàn ngành tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng. Như vậy, quy định doanh nghiệp có giao dịch liên kết bị khống chế mức lãi vay khi vay từ ngân hàng thương mại liệu có ngược lại với mục tiêu đẩy mạnh tín dụng ngân hàng mà Chính phủ đã đề ra, cũng như gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp?”. Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam Bùi Tuấn Minh |
Theo Khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, “tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Khi áp dụng trong thực tiễn đã khiến nhiều doanh nghiệp loay hoay.
Đơn cử, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đặt câu hỏi: Trường hợp các đơn vị có giao dịch với các bên liên kết (mua bán hàng hóa dịch vụ), chi phí lãi vay chỉ phát sinh từ các khoản vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng mà ngân hàng và các tổ chức tín dụng là đơn vị độc lập với VICEM cũng như các đơn vị thành viên thì có phải áp dụng quy định này hay không?
Nhìn nhận mối băn khoăn này của doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam Bùi Tuấn Minh cho rằng quy định như trên “có một số điểm chưa rõ ràng, thiếu hợp lý”.
Ông phân tích: Thứ nhất là hiệu lực áp dụng của Nghị định. Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp được tính trừ các khoản chi phí thực tế phát sinh dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu thỏa mãn các điều kiện nhất định về hồ sơ, chứng từ. Việc quy định khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20 không nằm trong quy định loại trừ trong Luật này khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc sử dụng văn bản nào để áp dụng, vì rõ ràng Luật là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn!
Thứ hai là đối tượng và phạm vi áp dụng. Mặc dù nội dung Điều 8 là “Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù”, nhưng tại Nghị định này và các văn bản hướng dẫn chưa có định nghĩa cụ thể về “giao dịch liên kết đặc thù”. Do đó, doanh nghiệp lúng túng trong xác định có thuộc phạm vi áp dụng quy định này hay không khi thực hiện quyết toán thuế.
Thứ ba là thời điểm có hiệu lực của Nghị định 20. Đây là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí đến việc sống còn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vay nợ lớn (ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, hàng không, công nghiệp nặng, năng lượng). Theo Chương trình hành động số 4 về lãi vay của BEPS (các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD) khuyến nghị các nước nên đưa ra một lịch trình áp dụng nguyên tắc này một cách hợp lý, thận trọng để doanh nghiệp có đủ thời gian tái cấu trúc tài chính, giảm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao. Song, thực tế, việc yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ ngay Nghị định 20 (có hiệu lực từ 1.5.2017) mà không cho phép doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh lại cơ cấu vốn có thể làm xáo trộn kế hoạch tài chính, gây ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Một người đau mắt, cả làng đeo kính”?
Nhìn vào quy định áp trần chi phí lãi vay của Nghị định 20, Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức cho rằng điều này chẳng khác nào “thấy một người bị đau mắt bắt cả làng đeo kính”.
Quy định thiếu rõ ràng khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng thực hiện Nghị định 20 | |
Nguồn: ITN |
Lý giải điều này, ông Đức cho rằng, Khoản 3, Điều 8 sẽ góp phần chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI. Bởi một trong những cách thức các doanh nghiệp này chuyển giá là thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh từ công ty mẹ sang công ty con để chuyển hết lãi về nước. Tuy nhiên, điều này sẽ không phù hợp với tất cả doanh nghiệp trong nước. Bởi lẽ, các doanh nghiệp cùng công ty con đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nên đều phải áp dụng các quy định về chính sách thuế của pháp luật. Chi phi của doanh nghiệp này lại là thu nhập của doanh nghiệp kia và kiểu gì cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ 18 – 20%. Mặt khác, điểm yếu của hầu hết doanh nghiệp này là tiềm lực tài chính hạn chế. Để có nguồn lực tài chính đầu tư sản xuất, họ buộc phải đi vay, tức họ có nhu cầu làm thật chứ không phải vì mục đích lách quy định để trốn thuế, chuyển giá.
Cũng theo ông Đức, việc áp trần chi phí lãi vay theo Khoản 3, Điều 8 “dù về mặt hình thức rất hợp lý song lại chà đạp lên cuộc sống của nhiều doanh nghiệp”. Theo đó, trước đây, trần lãi suất vay không quá 13,5%, từ năm 2017 là không quá 20%. Vậy nhưng, trên thực tế, đối với những doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, không có uy tín, dự án có nhiều rủi ro nên khó được vay vốn từ ngân hàng. Do vậy, doanh nghiệp phải vay từ bên ngoài để duy trì sản xuất kinh doanh và phải chấp nhận mức lãi suất có thể lên tới hàng chục phần trăm. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI lại có sẵn tiềm lực tài chính. Do vậy, quy định tại Khoản 3, Điều 8 không phân biệt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là “rất cứng nhắc, cào bằng theo kiểu thấy một người đau mắt nhưng bắt cả làng đeo kính. Cách quản lý này sẽ chỉ có lợi cho cơ quan quản lý, nhưng khiến cộng đồng doanh nghiệp bế tắc”, ông Đức nhấn mạnh.