2.393. Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt: Còn băn khoăn

(ĐBND) – Tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP) diễn ra ngày 11.12, nhiều ý kiến lo ngại, Dự thảo quy định về hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán không quá 49% sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam và có thể vi phạm các cam kết quốc tế.

Một số điểm thiếu rõ ràng

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Lê Anh Dũng, Nghị định 101/2012/NĐ-CP đã qua 6 năm triển khai, với những nội dung quan trọng ảnh hưởng sâu rộng, là nền tảng pháp lý cho các hoạt động thanh toán và trung gian thanh toán, tạo điều kiện cho các loại hình mới như thanh toán điện tử, thanh toán di động. Do sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, yêu cầu hội nhập, một số quy định của Nghị định cần được sửa đổi, bổ sung. Dự thảo có 7 chương, 44 điều, thể hiện các chính sách mới về đồng bộ pháp lý về tiền điện tử, quản lý các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản, hoạt động đại lý thanh toán, hoàn thiện quy định về dịch vụ trung gian thanh toán, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán.

Toàn cảnh hội thảo

Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho rằng, Dự thảo còn một số điểm còn chung chung, thiếu rõ ràng, chưa thực sự thuyết phục, không dễ tiên liệu, sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng. Chẳng hạn như, Điều 19 của Dự thảo về điều kiện kinh doanh cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích có nêu “Đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu về lĩnh vực tài chính ngân hàng, nắm rõ quy trình và thao tác khi thực hiện giao dịch thanh toán”, nhưng như thế nào là “phù hợp” lại không nêu rõ. Cũng tại Điều 19 của Dự thảo nêu “…thu gom, vận chuyển tiền mặt bảo đảm cuối ngày nộp vào tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn đối với việc luân chuyển tiền mặt cũng như xác định hạn tồn quỹ tiền mặt cuối ngày cho mỗi điểm giao dịch phù hợp với khả năng quản lý của mình và tính thanh khoản cho khách hàng sử dụng dịch vụ”, theo bà Thảo đây là nghiệp vụ của ngân hàng chứ không phải điều kiện kinh doanh.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, tại điểm c, khoản 1, Điều 11 của Dự thảo đã bổ sung một trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán là “Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật”. ông Đức cho rằng, cần hết sức thận trọng khi quy định điều này để tránh tình trạng bị lợi dụng gây rủi ro rất lớn cho các bên liên quan. Chẳng hạn như bên thanh toán đã chuyển tiền thành công, bên bán hàng hoàn toàn tin tưởng giao hàng, nhưng sau đó bất cứ khi nào cũng có thể bị phong tỏa tài khoản và không nhận được tiền. Vì vậy, cần bỏ quy định này hoặc diễn giải một cách cụ thể để có thể bảo vệ được bên này đồng thời tránh gây rủi ro cho bên kia.

Hạn chế đầu tư nước ngoài không quá 49% có hợp lý?

Theo đề xuất tại Dự thảo, quy định về hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán không quá 49%. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giới hạn sở hữu nước ngoài như trên sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Nguyễn Thành Hưng cho biết, mặc dù thương mại điện tử phát triển nhanh gần đây nhưng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt không tăng. Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cần thiết phải có vốn đầu tư nước ngoài, vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi nguồn vốn trong nước chưa sẵn sàng. Còn theo ông Nishikawa, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (Ví điện tử Payoo), đại diện cho nhà đầu tư NTT (Nhật Bản), các nhà đầu tư nước ngoài có sự đóng góp lớn không chỉ về vốn đầu tư mà cả công nghệ, tri thức để phát triển, do đó Ngân hàng nhà nước cần cân nhắc về quy định hạn chế vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, việc hạn chế đầu tư nước ngoài có thể vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam tại WTO, CPTPP. Quy định hiệu lực hồi tố tại Điều 42 của Dự thảo cũng trái với Điều 74 Luật Đầu tư, đồng thời trái với các cam kết bảo hộ đầu tư trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương, có thể dẫn đến nguy cơ Chính phủ Việt Nam bị khởi kiện bởi chính phủ hoặc các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay trung gian thanh toán ước tính chiếm đến 90% hoạt động và giá trị của fintech. Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính nhìn nhận, việc hạn chế đầu tư sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực fintech. Mặt khác, mặc dù cơ quan soạn thảo cho rằng “trung gian thanh toán” không được thể hiện trong các lĩnh vực cam kết, tuy nhiên đây chỉ là một khái niệm pháp lý riêng của Việt Nam, còn về bản chất hoạt động này đã bao gồm trong lĩnh vực được cam kết là dịch vụ thanh toán. Nếu Chính phủ hoặc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, quyền diễn giải điều ước và áp dụng quy định sẽ thuộc về cơ quan tài phán hoặc trọng tài đầu tư, chứ không thuộc về phía Việt Nam. Nếu thua kiện, chúng ta có thể đối mặt với hậu quả tốn kém và dư luận tiêu cực. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau để kiểm soát, theo dõi và ngăn chặn các hoạt động đầu tư không mong muốn cụ thể, thay vì áp đặt hạn chế trên toàn thị trường.

Bài và ảnh: An Thiện

——————

Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) 12-12-2019):

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=431267

(169/1.226)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,891