2.397. Nghị định 20 có làm khó doanh nghiệp? – Bài cuối: Tham khảo thêm kinh nghiệm thế giới

(ĐBND) – Thông lệ quốc tế cho thấy, việc áp dụng trần chi phí lãi vay được xem là một trong những giải pháp chống chuyển giá ở các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi triển khai tại Việt Nam, nên tham khảo các kinh nghiệm thế giới, có lộ trình, cân nhắc đối tượng và thời gian áp dụng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

“Rất ít động cơ chuyển giá”

Chương trình hành động số 4 trong tổng số 15 Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đặt ra việc áp dụng trần chi phí lãi vay. Đây được xem là một trong những giải pháp hạn chế tình trạng lạm dụng vốn mỏng (mức tín dụng doanh nghiệp đi vay vượt quá nhiều lần so với vốn chủ sở hữu), lạm dụng tài trợ vốn/tài trợ tài chính nội bộ giữa các thành viên trong tập đoàn đa quốc gia với mục đích tránh thuế. Đối tượng chính mà BEPS hướng đến trong Chương trình hành động số 4 là các tập đoàn đa quốc gia có xu thế lợi dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước khác nhau, dùng công cụ vốn vay để điều chuyển lợi nhuận của các công ty thành viên trong tập đoàn với mục đích tránh thuế.

Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xem xét áp dụng khuyến nghị của BEPS về mức trần lãi vay cho các tập đoàn đa quốc gia. Chẳng hạn, tại Pháp là 25% (mỗi năm phải giảm 5% sau năm tính thuế đầu tiên)…

Tại Việt Nam, với việc áp mức trần chi phí lãi vay là 20% theo Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được kỳ vọng sẽ góp phần chống chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Song, trong báo cáo tình hình thực hiện sau một năm triển khai Nghị định 20 (từ ngày 1.5.2017) của Bộ Tài chính cho thấy, đây lại là nội dung vướng mắc nhiều nhất của các doanh nghiệp, “mặc dù về bản chất, từ phía các tập đoàn/tổng công ty và các công ty thành viên không có hoặc có rất ít động cơ để chuyển giá thông qua việc sắp xếp các giao dịch vay”.

Điều chỉnh đối tượng áp dụng

Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam Bùi Tuấn Minh cho rằng, “Nghị định 20 nên xem xét lại đối tượng áp dụng mức trần lãi vay trong trường hợp đây là các tập đoàn Việt Nam chỉ có hoạt động trong nước theo mô hình mẹ – con. Trong đó, công ty mẹ đứng ra vay vốn để hỗ trợ nhau thực hiện các công trình lớn vì mục tiêu kinh tế chứ không phải vì mục đích tránh thuế”.

Cũng theo đại diện Deloitte Việt Nam, để tạo môi trường đầu tư lành mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ ngoài việc tham khảo thông lệ quốc tế, nên cân nhắc việc áp dụng quy định có lộ trình cũng như thực tế phát triển và nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay. Mặt khác, để bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp, quy định áp trần lãi suất chỉ áp dụng khi doanh nghiệp vay vốn từ bên liên kết và tính trên phần chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết, không áp dụng trong trường hợp trong kỳ doanh nghiệp phát sinh lãi tiền vay từ giao dịch vay với các bên độc lập (các ngân hàng, tổ chức tín dụng…). Theo khuyến nghị tại BEPS, tổng chi phí lãi vay được xem xét áp dụng (giống quy định tại Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20) là phần chênh lệch còn lại của chi phí lãi vay sau khi bù trừ với thu nhập lãi vay trong kỳ để giảm thiểu ảnh hưởng tới các hình thức huy động vốn qua kênh tập đoàn, tổng công ty và không có ý định thực hiện chuyển giá.

Đặc biệt, theo ông Minh, nên cân nhắc về thời gian áp dụng (chưa áp dụng trong thời gian mới thành lập, đầu tư xây dựng cơ bản) hoặc có cơ chế bù trừ, chuyển tiếp (ví dụ cho phép chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang khấu trừ vào kỳ sau) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án. “BEPS cũng đưa ra nhiều khuyến nghị khác liên quan đến mức trần lãi vay nhưng hiện chưa được áp dụng trong Nghị định 20. Ví dụ, cách tính mức trần chi phí lãi vay theo nguyên tắc tính tổng chi phí lãi vay của toàn tập đoàn và phân bổ về cho công ty con, hoặc cho phép bù trừ giữa chi phí lãi vay và thu nhập trước khi tính lãi vượt trần. Đây là nội dung Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm thế giới”, ông Minh đề xuất.

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Luật sư Trương Thanh Đức bổ sung, áp dụng một mức trần lãi suất vay và trần chi phí vay cho mọi trường hợp là không hợp lý. Tình trạng khá phổ biến trên thực tế là có nhiều doanh nghiệp phải chi trả chi phí vay rất lớn. Hay trần lãi suất 20% đối với vay USD thì quá cao, nhưng đối với VNĐ thì đôi khi lại quá thấp. “Cách tốt nhất là phải hướng dẫn cụ thể việc áp trần chi phí lãi vay trong trường hợp nào, lý do nào và cơ quan nào xem xét. Điều này đồng nghĩa với việc nên chấp nhận có thể sẽ bị một số trường hợp lợi dụng còn hơn là áp dụng theo kiểu cứng nhắc khiến nhiều doanh nghiệp bị vướng”, ông nói.

Đan Thanh

——————

Đại biểu nhân dân (Kinh tế – xã hội) 31-10-2018:

https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi–tham-khao-them-kinh-nghiem-the-gioi-412607

(143/1.079)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,984