(KT&ĐT) – Qua rà soát, Bộ Tư pháp phát hiện hàng nghìn văn bản sai sót, sai thẩm quyền, có tác động tiêu cực, gây hậu quả cho tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng điều chỉnh. Mới đây, dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì gây phản cảm.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba phát biểu ý kiến. Ảnh: Thái San |
Những quy định phi lý
Theo dự thảo Thông tư về Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp, nếu sinh viên hoạt động mại dâm lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học. Dù Bộ GD&ĐT đã rút khỏi Cổng thông tin dự thảo này nhưng nhiều ý kiến vẫn rất bức xúc. Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra văn bản có nội dung… “trên trời”.
Nguyên nhân dẫn đến đưa ra một số VBQPPL, một số điều luật “trên trời” một phần do ban soạn thảo chưa nhìn được thấu đáo mọi góc cạnh của vấn đề. Quá trình lấy ý kiến xây dựng dự thảo còn chưa thật sự chất lượng và sát sao. Bản thân người được lấy ý kiến cũng không mặn mà với việc nghiên cứu và đưa ra ý kiến bởi chế độ của các cá nhân, tổ chức được lấy ý kiến xây dựng gần như không có. Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy |
Nhận xét về dự thảo Thông tư gây phản cảm của Bộ GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Kim Thoa – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, qua vụ việc trên cho thấy năng lực của cơ quan tham mưu về pháp luật và ban hành văn bản, chính sách của Bộ GD&ĐT có những yếu kém. Trong khi đó, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định, Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền quy định về xử lý, xử phạt kiểu đó.
Mới đây, câu chuyện anh Nguyễn Cà Rê (Cần Thơ) đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng bỗng trở nên phức tạp hơn vì những bất cập trong việc áp dụng quy định pháp luật. Dù xử đúng luật, song quyết định này nhận được nhiều ý kiến phản đối của dư luận. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đánh giá, đây là việc áp dụng pháp luật một cách máy móc. Để không lặp lại bất cập nêu trên, cần phải sửa đổi Nghị định 96/2014 và vấn đề này đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng làm rõ.
Hàng nghìn văn bản sai sót
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp mới đây, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho hay, từ đầu năm đến nay, Bộ đã kiểm tra 1.074 văn bản của các bộ, ngành, địa phương; bước đầu phát hiện 23 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền.
Ông Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL – Bộ Tư pháp) cũng cho biết, cả nước hiện có 22 đầu mối cấp bộ; 63 đầu mối cấp tỉnh; hơn 700 đơn vị cấp huyện; hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã; mỗi tỉnh, huyện, xã lại có HĐND, UBND đều có thẩm quyền ban hành VBQPPL. Trong năm 2017, kết quả của công tác kiểm tra và tự kiểm tra hơn 40.000 VBQPPL trên cả nước đã ban hành từ những năm trước đã phát hiện 5.639 văn bản có sai sót theo các loại: Căn cứ pháp lý, sai thẩm quyền, sai nội dung, sai thể thức kỹ thuật, trình tự thủ tục. Trong đó, có 1.236 văn bản có sai về thẩm quyền và nội dung. Thực tiễn cho thấy, những văn bản này có thể có những tác động tiêu cực, gây ra hậu quả cho tổ chức, cá nhân có liên quan. “Sau khi có kết quả kiểm tra này, Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp của các tỉnh, TP khẩn trương rà soát, chỉ đạo xử lý triệt để đối với các văn bản trái pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận, gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30/11” – ông Ba thông tin.
Ngoài ra, theo ông Đồng Ngọc Ba, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp đôn đốc, hướng dẫn đơn vị trong việc xử lý văn bản trái pháp luật; thành lập các đoàn công tác liên ngành về kiểm tra tại cơ quan, địa phương có ban hành VBQPPL trái quy định, kiến nghị biện pháp khắc phục hậu quả, xử lý trách nhiệm với cán bộ công chức có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2018. Hiện Bộ Tư pháp đã xây dựng kế hoạch và sẽ đi kiểm tra trực tiếp vấn đề trên.
Theo các chuyên gia luật, việc ban hành VBQPPL có những sai sót, chất lượng văn bản không cao, khó đi vào cuộc sống, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản để có biện pháp xử lý, nếu gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức hoặc thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường và quy trách nhiệm cụ thể với từng cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý sai phạm này còn nhiều khó khăn, lúng túng. Việc quy trách nhiệm, xử lý cán bộ lại càng khó khăn do chưa có chế tài, thủ tục cụ thể.
HỒNG THÁI
———-
Kinh tế & Đô thị (Pháp luật) 02-11-2018:
http://m.kinhtedothi.vn/qua-nhieu-van-ban-tren-troi-328898.html
(45/1.032)