(VNN) – Phải nhìn nhận rằng, Nghị định 20 là một nỗ lực đáng kể của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trong cuộc chiến chống chuyển giá vốn rất cam go và khó khăn. Nhưng một số điểm không phù hợp với thực tế trong nước đã ảnh hưởng đến các DN, kể cả những DNNN không có động cơ chuyển giá. Vì thế việc sửa đổi Nghị định 20 là khó có thể tránh khỏi.
Sửa để cứu DN
Trước quy định khống chế chi phí vay, nhiều DN băn khoăn chi phí vay này áp dụng cho bên có quan hệ liên kết hay với cả bên cho vay độc lập. Nói về việc này, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho hay điều 8 Nghị định 20 tính tất cả các loại chi phí vay, từ nguồn ngân hàng, đối tượng liên kết và các đối tượng khác, không phân biệt liên kết hay không liên kết.
Như vậy, lo ngại của hàng chục DN có quan hệ liên kết là có thật khi các loại chi phí vay sẽ không được trừ khi tính thuế thu nhập DN. Nguy cơ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế như Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhiều DN khác lo ngại là hiện hữu.
Việc khống chế chi phí vay tại Nghị định 20 gây khó khăn cho nhiều DN. |
Trước phản ứng cả hàng loạt DN, Tổng cục Thuế đã có buổi làm việc với các DN. Và hiện nay, Vụ chính sách thuế DN lớn chính là đơn vị đang được giao tham mưu để có kế hoạch chỉnh sửa lại Nghị định 20 cho phù hợp, tránh tác động đến tình hình hoạt động của các DN trong nước.
Vậy việc này nên được tiến hành như thế nào để hài hòa việc chống chuyển giá mà không ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính?
Thực tế, nội dung “khống chế chi phí lãi vay” của Nghị định 20 được xây dựng đã tiệm cận gần hơn hướng dẫn của OECD và các chương trình hành động BEPS (chống xói mòn nguồn thu) tuy nhiên so với OECD thì vẫn chưa đưa hết các điều kiện cần và đủ khi khống chế chi phí lãi vay.
Liên quan đến chi phí lãi vay này, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Việt Nam nên học tập thêm kinh nghiệm của OECD, áp dụng theo hướng “mở” hơn.
Cụ thể, OECD đưa ra các quy định khác biệt như cho phép tính trên chi phí lãi vay ròng (phần chi phí lãi vay vượt thu nhập lãi vay); cho phép DN chuyển sang kỳ sau chi phí lãi vay bị loại vì vượt quá mức khống chế.
Đặc biệt OECD áp dụng thêm 1 tỷ lệ biến động bên cạnh tỷ lệ cố định 20%. Cụ thể: Nếu tỷ lệ chi phí lãi vay với bên thứ ba/lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trên báo cáo hợp nhất của toàn tập đoàn lớn hơn 20% thì cho phép áp dụng tỷ lệ này cho từng công ty thành viên trong tập đoàn.
Trường hợp tập đoàn có công ty thành viên có EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao) âm hoặc thậm chí EBITDA của toàn tập đoàn âm thì công ty thành viên vẫn sẽ được khấu trừ toàn bộ chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ nếu tổng chi phí lãi vay được khấu trừ của tập đoàn không vượt quá tổng chi phí lãi vay của tập đoàn từ bên thứ ba trong kỳ. Các công ty có EBITDA dương vẫn áp dụng quy định khống chế 20% hoặc tỷ lệ chi phí lãi vay bên thứ ba/lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao nếu tỷ lệ này lớn hơn 20%.
Bà Hương Vũ, Phó Tổng Giám đốc Ernst&Young Việt Nam cũng cho rằng cần xem xét một số biện pháp tháo gỡ phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, cho phép DN chuyển sang kỳ sau chi phí lãi vay bị loại vì vượt quá mức khống chế. Thời gian chuyển có thể xem xét là 5 năm kể từ sau kỳ bị loại, phù hợp với kỳ chuyển lỗ.
Đối với các tập đoàn trong nước, Bộ Tài chính nên cân nhắc để đảm bảo tổng chi phí lãi vay của tập đoàn với bên thứ 3 được khấu trừ với lý do đây là chi phí vốn thực của tập đoàn.
Nhiều Tập đoàn nhà nước lo lắng trước việc bị khống chế chi phí vay. |
Thách thức cho cuộc chiến chống chuyển giá
Dù thế nào, Nghị định 20 là một nỗ lực đáng kể của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Bởi có tình trạng công ty mẹ ở nước ngoài cho công ty con ở Việt Nam vay một khoản vốn rất lớn, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, và đơn vị tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc lỗ nhiều năm và lỗ lớn, không nộp thuế cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, chuyển giá qua chi phí vay chỉ là một phần trong các thủ đoạn chuyển giá của những tập đoàn nước ngoài. Một hình thức khác quan trọng và khó đoán định hơn là chuyển giá qua xuất nhập máy móc, sản phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Hội kế toán hành nghề nghề toán Việt Nam cho rằng: Chống chuyển giá cực khó, mang tính cảm tính nhiều. Chống chuyển giá hiệu quả nhất là phải có dữ liệu của quốc tế để so sánh giá.
Ví dụ một DN sản xuất ở Việt Nam 1 máy ảnh, khai báo bán ra nước ngoài giá 100 USD nhưng có thể họ bán 300 USD. Việt Nam lại không có dữ liệu chính thức để thống kê được việc đó thì làm sao biết được họ chuyển giá. Hoặc họ nhập linh kiện về để sản xuất máy ảnh ở Việt Nam, thực tế họ nhập là 50 USD nhưng chỉ khai hải quan 30 USD, mình cũng khó biết được. Muốn biết được thì phải liên kết cơ quan thuế, hải quan các nước với nhau và thông báo cho nhau những thông tin như vậy. Nếu không đều là cảm tính hết.
“Hoặc nếu chúng ta không trao đổi được thông tin một cách ngang hàng với các nước thì buộc phải mua. Nhưng tiền đâu mà mua? Đó là một vấn đề. Khi đó cuộc chiến chống chuyển giá trở nên cảm tính”, ông Nguyễn Ngọc Quang chia sẻ.
Một cán bộ trong ngành thuế thừa nhận dù các hiệp định về thuế giữa Việt Nam và các nước có điều khoản trao đổi dữ liệu, nhưng thực sự rất ít nước muốn cung cấp những thông tin đó cho phía Việt Nam vì họ thường sẽ bảo vệ DN của họ. Còn để mua dữ liệu thương mại thì đến nay vì nhiều lý do cũng chưa thực hiện được.
Chính vì thế, các biện pháp tăng cường đẩy mạnh trao đổi dữ liệu giữa Việt Nam và các nước, kể cả tạo nguồn để mua dữ liệu cho cuộc chiến chống chuyển giá ở Việt Nam là điều cần thiết. Có như vậy, sức ép của cuộc chiến chống chuyển giá mới với đi phần nào, để những quy định kiểu như tại Nghị định 20 không đổ lên đầu DN nội đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Hoài Nam
Vietnamnet (Tài chính) 02-11-2018:
(30/1.332)