(DĐDN) – Cần Thơ “bắt quả tang” tiệm vàng Thảo Lực đổi 100 USD và sau đó thực hiện lệnh khám nhà, tịch thu kim cương, đá quý (tài sản cá nhân của ông Lực) là có dấu hiệu trái luật.
Đó là khẳng định của Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC khi trao đổi với PV Báo Diễn đàn doanh nghiệp.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: Một người có vàng bạc, kim cương, tiền, đô la, đá quý… không có hoá đơn, chứng từ hay giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc hợp pháp vẫn được pháp luật bảo vệ. Kể cả ngoại tệ tuy bị cấm mọi hành vi giao dịch nhưng vẫn có ngoại lệ là được tự do sở hữu, cất giữ, tặng cho, để lại thừa kế và mua bán, gửi tại ngân hàng theo quy định tại Điều 13 về “Sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân”, Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014.
– Nhưng vụ tịch thu tài sản mới đây nhất tại Cần Thơ cũng với lý do không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ…?
Nếu vàng bạc, ngoại tệ, kim cương, đá quý khác được người dân cất giữ hay vận chuyển ở trong nước thì không cần phải có giấy tờ sở hữu. Lý do là không có quy định nào của pháp luật bắt người dân phải chứng minh nguồn gốc các loại tài sản này. Hơn thế nữa, Điều 32, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”.
Tuy nhiên, nếu các tài sản đó được đưa vào trở thành hàng hoá kinh doanh thì phải tuân thủ các quy định về tài chính kế toán như nguồn gốc, hoá đơn, chứng từ, quy chuẩn… Và nếu pháp nhân hay cá nhân vi phạm thì có thể bị xử lý, xử phạt, kể cả việc tịch thu tang vật, công cụ phạm pháp theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Bộ luật Hình sự năm 2015.
– Nhưng vụ việc liên quan đến Công ty Thảo Lực có vẻ không đơn giản như ông nói?
Đúng vậy! Quyết định xử phạt hành chính và tịch thu tài sản dựa trên cơ sở khám căn nhà của ông Lực, cũng là nơi có tiệm vàng đồng thời là trụ sở của Công ty Thảo Lực. Việc thu giữ số kim cương trong tủ, tại nhà ở theo “Quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở” của Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ngày 24/01/2018. Nếu số kim cương là tài sản của cá nhân ông Lực, mà không phải là hàng hoá kinh doanh của Công ty do chính ông làm chủ sở hữu, thì việc xử phạt và tịch thu tài sản là trái luật, vì xâm phạm quyền sở hữu của công dân.
Cơ quan chức năng chỉ được xử lý các tài sản là hàng hóa đã đưa vào kinh doanh nếu vi phạm các quy định về tài chính kế toán như nguồn gốc, hoá đơn, chứng từ, vận chuyển, quy chuẩn…
Mặt khác, Điều 26, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định, việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ “được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”. Cơ quan chức năng không thể vin vào lý do không có hoá đơn, chứng từ của pháp nhân để áp đặt vào việc tịch thu tài sản của cá nhân, cho dù đều chung một chủ sở hữu.
– Nhiều ý kiến trên công luận nghi ngờ có sự “cài bẫy”. Ông nghĩ sao?
Đúng là vụ việc có nhiều dấu hiệu bất thường. Chẳng hạn như lệnh khám nhà để “thòng” sẵn 6 ngày, từ khi chưa có vi phạm (chính người ký Quyết định cũng không biết được khi nào khám) và diễn ra cùng lúc với vụ phát hiện mua bán ngoại tệ; khám nhà ở của cá nhân nhưng lại phạt pháp nhân công ty; rồi thời hạn xử phạt bị kéo dài từ mức tối đa, gồm cả gia hạn theo luật chỉ có 37 ngày lên đến hơn 7 tháng.
Mục “Thời gian khám” của Quyết định là một nội dung không thể thiếu trước khi ký tên, đóng dấu, nhưng đã bị bỏ trống và chỉ được ghi thêm bằng chữ viết tay sau khi diễn ra vụ việc.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn đặt ra từ vụ việc này, nếu đó là tài sản của người dân, thì quyền sở hữu tài sản có nguy cơ bị xâm phạm trái với Hiến pháp và pháp luật bất cứ lúc nào.
Nếu vàng bạc, ngoại tệ, đá quý… được người dân cất giữ hay vận chuyển ở trong nước thì chẳng có lý do gì chính quyền yêu cầu phải có giấy tờ sở hữu, càng không được phép thu giữ và tịch thu. Cũng không có quy định nào của pháp luật bắt người dân phải chứng minh nguồn gốc các loại tài sản này. Riêng ngoại tệ thì, Điều 13 về “sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân”, Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 đã quy định rõ: “Cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế…”.
– Tức là pháp luật cũng không cho phép có những sự tùy tiện như vậy?
Thậm chí pháp luật quy định rất chặt chẽ về việc tịch thu tài sản trong trường hợp có vi phạm hành chính. Điểm a, khoản 2, Điều 3, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính” đã quy định rõ một trong những căn cứ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải trên cơ sở “Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này, thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm”.
Trong vụ việc ở Cần Thơ, chưa thấy ông Lực có lỗi gì và vi phạm nào mà bị tịch thu số kim cương đang cất giữ ở trong tủ của gia đình. Nếu đúng là 20 viên kim cương là tài sản cá nhân, thì không hề vi phạm điều khoản nào trong cả 4 Nghị định được viện dẫn trong Quyết định xử phạt Công ty Thảo Lực.
Nếu cứ theo đúng quy định “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật” tại khoản 2, Điều 2 về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì ngay cả việc cấm thanh toán bằng vàng theo quy định của Nghị định và việc cấm mọi giao dịch bằng ngoại tệ của Pháp lệnh trên cũng không còn giá trị pháp lý, vì trái với luật.
– Xin cảm ơn ông!
Song Nhi thực hiện
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 03-11-2018:
http://enternews.vn/co-dau-hieu-trai-luat-trong-vu-100-do-139114.htm
(1.265/1.265)