2.419. Bất động sản vẫn sẽ hút dòng tiền

(KD) – Theo khảo sát công bố tại Diễn đàn “Xu thế dòng tiền vào bất động sản năm 2020” vừa được tổ chức, nếu có tiền trong năm 2020, khách hàng vẫn sẽ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Thị trường bất động sản (BĐS) năm 2020 được nhiều chuyên gia cho rằng có dấu hiệu tích cực khi kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt. So với các lĩnh vực khác, đầu tư BĐS vẫn là một kênh ấn tượng.

Hơn 67% lựa chọn đầu tư

Kết quả khảo sát công bố tại Diễn đàn khiến nhiều người bất ngờ, bởi trong khi thị trường BĐS đang thiếu niềm tin về pháp lý cho condotel, thì kênh BĐS vẫn được quan tâm.

Cụ thể, với các lĩnh vực: BĐS, vàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (DN), gửi tiết kiệm, kết quả của các đáp án lần lượt là 67,5%, 15,6%, 6,5%, 2,6%, 7,8%.

Ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng kết quả trên 65% là phản ánh rất bình thường.

Còn theo Ts. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, dòng tiền vào BĐS là tích cực. Việc siết lại tín dụng vừa qua không phải là tín dụng ngân hàng giảm đối với BĐS mà thực tế theo số liệu 10 tháng 2019: cho vay xây lắp 8.000 tỷ đồng, tăng 8,5%; cho vay BĐS vẫn tăng 5,5%; cho vay mua nhà, sửa nhà tăng 19,6%.

“Năm nay, Chính phủ chỉ đạo gộp cho vay BĐS và vay mua nhà, sửa nhà vào thành cho vay BĐS. Như vậy thực tế là tăng 14,5%, cao hơn bình quân cho vay ngân hàng là 67%”, ông Lực phân tích.

Về vốn từ tư nhân, 11 tháng đầu năm có 16.000 DN xây lắp thành lập mới, tăng 2%; 7.300 DN BĐS thành lập mới, vốn tăng 27,5%.

Về trái phiếu DN, tổng trái phiếu phát hành 11 tháng đạt 237.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó DN BĐS là 71.000 tỷ đồng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật AVNI, cho rằng nhiều khách hàng thiếu niềm tin vào thị trường và cam kết lợi nhuận. Lợi nhuận trên dưới 10% là bình thường, lãi suất ngân hàng hay cổ phiếu cũng có lợi nhuận như vậy. Lợi nhuận đầu tư BĐS mà chỉ 3-4% thì không ai đầu tư.

“Thị trường BĐS trong thời gian tới vẫn tốt. Sang năm hay sang năm nữa, thị trường BĐS vẫn vậy, không có gì khác, càng mua nhà trên giấy thì càng lãi nhiều, còn nếu cam kết quá rõ ràng thì lợi nhuận cũng phải thấp đi. Tôi cho rằng rủi ro luôn song hành với lợi nhuận. Nếu là tôi, có tiền vẫn đầu tư BĐS”, ông Đức cho hay.

So với các lĩnh vực khác, đầu tư BĐS vẫn là một kênh ấn tượng

Tín dụng ổn định

Liên quan đến dòng tiền sẽ đổ vào phân khúc BĐS nào trong năm 2020, Ts. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho hay người Việt Nam thuộc nhóm “máu” đầu tư, thích mạo hiểm. Người giàu sẽ mua nhà ở đảm bảo tương lai cho con cái. Do đó, nhà ở chung cư là một lựa chọn được giới trẻ ưa chuộng. Nhà đầu cơ sẽ có xu hướng đầu tư vào đất nền, đầu tư dài hạn, nhất là condotel. Tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý nhà đầu tư nhỏ không nên đầu tư vào condotel.

Ở một góc nhìn khác, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2020, nếu đầu tư sẽ lựa chọn BĐS nghỉ dưỡng.

Nguyên nhân là pháp lý trước sau gì cũng được các cơ quan quản lý giải quyết. Trong khi đó, với dư địa và tiềm năng phát triển lớn, không lâu nữa giá condotel sẽ được nâng lên cùng với sự phát triển của ngành du lịch.

“Nên lựa chọn chủ đầu tư nào, vị trí nào mới là quan trọng. Bởi có những dự án BĐS nghỉ dưỡng không bao giờ có thể lấp đầy được 30 – 40%, nhưng có những dự án có tỷ lệ lấp đầy luôn 90% quanh năm”, ông Đính nói.

Vậy, dòng tiền sẽ đến từ nguồn nào? Trước đó, các chuyên gia cho rằng có 5 dòng tiền đổ vào BĐS. Tuy nhiên, theo khảo sát thì năm 2020, dòng tiền sẽ đến từ ngân hàng (56,6%), chứng khoán và trái phiếu DN (5,7%), dòng vốn ngoại (18,9%), chuyển từ các kênh đầu tư khác sang BĐS (18,9%).

Ts. Cấn Văn Lực cũng thừa nhận kết quả này rất khớp với tính toán của ông. Dòng vốn vào BĐS trong năm 2019 vừa qua từ tín dụng bổ sung thêm cho BĐS ước tính tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng.

Từ kết quả khảo sát, Ts. Lê Xuân Nghĩa nhận định với tỷ lệ này, dòng vốn của ngân hàng hơi thấp. Tiền cho vay mua nhà khoảng 50 tỷ USD, còn nếu cộng các dòng vốn ngoại lại (như kiều hối, trái phiếu…) thì có khoảng 11 tỷ USD.

“Nếu so sánh với 50 tỷ USD từ ngân hàng thì đầu tư của ngân hàng vào BĐS là hơi thấp. Chúng ta cần phải coi trọng dòng vốn ngân hàng vào BĐS, vì đây là dòng vốn dài hạn, đảm bảo cho ngân hàng và BĐS phát triển một cách vững chắc”, ông Nghĩa nói.

“Nhiều nhà quản trị ngân hàng lừng danh nói với tôi rằng nếu không cho vay BĐS thì cho vay gì? Vì các thị trường khác quá rủi ro, chỉ có BĐS, hàng không và viễn thông là ổn định, rủi ro khá thấp, nên ngân hàng không cho 3 lĩnh vực này vay thì cho ai vay?”, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh.

Phạm Minh

—————-

Thời báo Kinh doanh (Bất động sản) 20-12-2019:

https://thoibaokinhdoanh.vn/toan-canh/bat-dong-san-van-se-hut-dong-tien-1063858.html

(136/1.044)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,885