(DV) – Nói về quy định nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI), kể lại câu chuyện giữa ông và cựu CEO ACB Lý Xuân Hải về vụ Khaisilk và nguồn gốc xuất xứ hàng hoá. Và theo ông Lý Xuân Hải có thể Khaisilk bị chết oan.
Trong năm vừa qua, nhiều vụ việc liên quan đến nhãn mác, xuất xứ sản phẩm của các doanh nghiệp liên tục được đưa ra. Trong đó, nổi bật nhất là những sai phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo do ông Phạm Văn Tam (Shark Tam) làm Chủ tịch gây bức xúc dư luận.
Hay mới đây nhất là vụ việc “cắt mác” sản phẩm quần áo của thương hiệu thời trang SEVEN.am, xa hơn là tai tiếng đình đám của “ông hoàng” tơ lụa Khaisilk.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, CTCP Tập đoàn Asanzo có nhiều dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu (giả mạo nhãn hiệu), giả mạo xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng và trốn thuế.
Bất cập trong quy định có thể khiến nhiều DN gặp khó trong việc xác định ghi nhãn mác sản phẩm.
Một số ý kiến cho rằng, tình huống của Asanzo khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện hàng Trung Quốc nhưng thay tem mác của thương hiệu Khaisilk hay SEVEN.am. Tuy nhiên, không thể chủ quan cho rằng hai tình huống này là giống nhau.
Tại chương trình Bình chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2019 và toạ đàm triển vọng kinh tế 2020 “Triển vọng từ cộng đồng ASEAN” do báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức mới đây, TS.Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận, không nên coi câu chuyện gải mạo xuất xứ của Asanzo là một sự kiện nổi bật của bức tranh kinh tế 2020.
Theo đánh giá của ông Nghĩa, tình trạng giả mạo xuất xứ như Asanzo có từ rất lâu, kể cả đến những chiếc quạt điện nội địa mở ra cũng toàn đồ Trung Quốc, thậm chí làm một cách rất “thô thiển” là đấu dây điện vào.
Hay như ông chủ của Tân Hiệp Phát – Dr.Thanh, thực chất là người Hoa. Chính vì vậy các sản phẩm của DR. Thanh giống y chang sản phẩm của một nhãn hàng Trung Quốc. Bánh ngọt của nhãn hàng Kinh Đô cũng tương tự bởi thực chất đều do người Hoa làm.
Dẫn chứng thêm về vấn đề này, ông Nghĩa kể lại, trong đợt khảo sát lụa tơ tằm tại Bảo Lộc – Lâm Đồng, ông đã có dịp trò chuyện cùng ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc ACB. Ông Lý Xuân Hải nói với ông rằng, Khaisilk thực chất “chết oan”. Vì sao ông Lý Xuân Hải lại nói như vậy?
“Tằm Trung Quốc ở bên Trung Quốc kéo dài được túi kén kéo dài được 1.800m. Con tằm đó nếu mua về Việt Nam kéo được 1.400m. Còn tằm Việt Nam ăn dâu của Việt Nam chỉ chỉ kéo dài được 450m. Như thế thì làm sao có thể sản xuất hết trên thị trường Việt Nam, cho nên hàng Trung Quốc cả thôi. Người thì đi nhập vải còn em thì đi nhập tằm, nhập cả dâu”, TS. Lê Xuân Nghĩa kể lại cuộc nói chuyện với ông Lý Xuân Hải trong đợt khảo sát này.
“Vì vậy, giả mạo xuất xứ – đừng nói đó là chuyện ghê gớm gì. Công nghệ của Việt Nam vô cùng thấp, kể cả trong nông nghiệp chứ chưa kể đến công nghiệp”, TS.Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh thêm.
Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thông tin thêm hiện tại, bất cập nằm ở chỗ, quy định bắt buộc DN phải ghi rõ nhãn hàng, nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn không chặt chẽ, tỉ mỉ dẫn đến tình trạng DN không ghi không được mà ghi gì cũng có thể sai.
“Hiện nay, quy định về ghi xuất xứ trên nhãn hàng rất bất cập do luật không quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp “ghi gì cũng sai”. Vì như tôi đã nói từ trước, sử dụng thuật ngữ “chế biến cơ bản” ở nhiều trường hợp sẽ không hợp lý như đối với ngành công nghiệp ô tô hay điện tử.
Ngoài ra, việc hướng dẫn xác định tỉ lệ giá trị gia tăng sau quá trình “chế biến cơ bản” ở mức 30 hay 50% hoặc chỉ 5 hay 10% cũng chưa rõ ràng. Do vậy, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, ghi Việt Nam không được, Trung Quốc không xong mà không ghi cũng không được.” LS. Trương Thanh Đức chia sẻ.
Thanh Phong
————
Dân Việt (Kinh tế) 21-12-2019:
(213/868)