(ĐTCK) – Để chấn chỉnh vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK), ý kiến từ nhiều phía cho rằng, cần phải thực hiện hiệu quả cả 2 phương thức “phòng” và “chống”.
Ngoài 3 lớp giám sát hiện tại, cần một lớp giám sát cao hơn, chẳng hạn Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, để tránh lạm quyền, xung đột lợi ích |
Mở rộng phạm vi người có liên quan
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Ủy ban Chứng khoán) nhiều lần khẳng định, việc đưa ra bất kỳ chế tài xử phạt mới nào đều hướng đến mục tiêu đầu tiên là phòng ngừa vi phạm, đường cùng mới phải áp dụng chế tài để xử phạt.
Để đạt mục tiêu phòng ngừa vi phạm, theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), điều quan trọng là phải có hệ thống quy định pháp lý đồng bộ, khả thi để liên tục nâng cao chất lượng minh bạch thông tin của các doanh nghiệp, cũng như các bên tham gia thị trường chứng khoán. Đây là một quá trình và phải được cụ thể hóa bằng các quy định nhằm nâng cao chất lượng minh bạch thông tin về báo cáo tài chính, bản cáo bạch khi chào bán chứng khoán…
Để phòng ngừa các hành vi vi phạm về giao dịch nội gián, từ thực tế vi phạm thời gian qua cho thấy, việc minh bạch mối quan hệ giữa ban lãnh đạo doanh nghiệp với những người có liên quan là rất quan trọng. Tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi vẫn còn những điểm chưa hợp lý.
Dự thảo Luật cần tính toán bổ sung những hình thức xử phạt theo thông lệ nhiều thị trường chứng khoán đang áp dụng như cảnh cáo toàn thị trường, đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát đặc biệt…
Góp ý cho vấn đề trên, trong công văn vừa gửi Ủy ban Chứng khoán, trên cơ sở tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo đã mở rộng khái niệm người có liên quan là “con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu”.
Việc bổ sung “con dâu”, nhưng lại không bổ sung “bố chồng, mẹ chồng” sẽ dẫn đến con dâu là người có liên quan của bố chồng, nhưng bố chồng lại không phải là người có liên quan của con dâu. Tương tự với quan hệ con rể – bố vợ, mẹ vợ; anh rể – em vợ; em rể – anh vợ, chị vợ; chị dâu – em chồng; em dâu – anh chồng, chị chồng.
Mặt khác, dự thảo mở rộng đến các quan hệ dâu, rể, nhưng lại không quy định về các quan hệ ông, bà – cháu ruột; cô, dì, chú, bác – cháu ruột. Đây được coi là những mối quan hệ huyết thống, vốn được coi là thân thiết hơn so với các quan hệ dâu, rể.
Việc mở rộng phạm vi người có liên quan được cho là để phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam, nơi mà các mối quan hệ gia đình, họ hàng có ảnh hưởng lớn đến các hành vi kinh tế của cá nhân trên thị trường. Tuy nhiên, việc mở rộng này cần tính đến gánh nặng chi phí tuân thủ của các cá nhân tham gia thị trường. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc điều này…
Cần 4 lớp giám sát, thay vì 3 lớp như hiện tại
Để phòng ngừa, phát hiện sớm các giao dịch có dấu hiệu thao túng giá chứng khoán, nội gián, cũng như các hành vi lũng đoạn thị trường khác…, ý kiến từ chuyên gia cho rằng, một giải pháp quan trọng là cần xem xét nâng lên 4 lớp giám sát, thay vì 3 lớp như hiện tại. Ngay cả 3 lớp này cũng cần khắc phục nhiều hạn chế, khiếm khuyết đang bộc lộ để tránh xung đột lợi ích, từ đó nâng cao tính liêm chính, minh bạch, hiệu quả trong quá trình giám sát.
Thứ nhất, để nâng cao hiệu quả của lớp giám sát đầu tiên là công ty chứng khoán, cần quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của khối này, thay vì nội dung còn chung chung như tại dự thảo là: Công ty chứng khoán có nghĩa vụ thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán tại công ty theo quy định của Bộ Tài chính…
Là đơn vị cung cấp dịch vụ, tương tác với các giao dịch của nhà đầu tư từng phút, từng giờ, công ty chứng khoán có nhiều lợi thế trong nắm bắt sớm các tín hiệu giao dịch đáng ngờ từ phía nhà đầu tư.
Mặt khác, cũng bởi khách hàng là “Thượng đế”, nếu quy định pháp lý không định ra các ràng buộc cụ thể nhằm ngăn ngừa xung đột lợi ích, thì công ty chứng khoán dễ “lờ đi” những tín hiệu giao dịch nội gián, thao túng giá chứng khoán của nhà đầu tư.
Bởi vậy, ngay trong Luật phải định ra các nguyên tắc cụ thể hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ giám sát của công ty chứng khoán. Kèm theo đó là chế tài xử lý nặng các công ty chứng khoán phớt lờ giao dịch sai trái của khách hàng, thậm chí tiếp tay cho giao dịch nội gián, thao túng…
Thứ hai, cần hoàn thiện lớp giám sát thứ 2 là các sở giao dịch chứng khoán. Hiện công tác giám sát hoạt động thao túng liên thị trường đang có những kẽ hở, khi mà các khu vực thị trường do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) quản lý và vận hành vẫn thiếu sự phối hợp.
Để khắc phục thực trạng này, cần sớm thúc đẩy để hoàn tất việc hợp nhất HOSE và HNX, trên cơ sở đó thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam – vốn quá chậm so với kế hoạch đề ra. Cùng với đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán cần khẩn trương thống nhất cơ chế phối hợp giám sát liên thị trường, từ đó giám sát có hiệu quả dữ liệu giao dịch của các mã cổ phiếu trên cả 2 Sở…
Thứ ba, với lớp giám sát là Ủy ban Chứng khoán, giới chuyên gia cho rằng, để tránh xung đột lợi ích, dự thảo Luật cần đặt ra các nguyên tắc yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan thuộc Ủy ban Chứng khoán minh bạch thông tin về sở hữu cổ phần ở các doanh nghiệp, giao dịch cổ phiếu…
Thứ tư, cần thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ, mang tính tương tác thường xuyên của cơ quan có tầm giám sát cao hơn Ủy ban Chứng khoán để giám sát cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, chẳng hạn Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, để tránh lạm quyền, xung đột lợi ích. Đây là hướng đi cần thiết, nhất là trong bối cảnh dự thảo Luật đang đề xuất trao thêm một số quyền cho Ủy ban Chứng khoán, trong đó có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng…
“Phòng” cần đi đôi với “chống”
Cùng với tăng cường các giải pháp phòng ngừa vi phạm, ý kiến từ phía chuyên gia còn cho rằng, việc tăng cường các chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo ngăn ngặn các hành vi vi phạm, qua đó đảm bảo cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, công bằng.
Theo đó, việc tăng cường các chế tài xử phạt cần được triển khai trên 2 hướng: Tăng mức phạt tiền, gia tăng các hình thức xử phạt bổ sung mang tính răn đe cao để tránh việc “cứ nộp tiền phạt là xong”, từ đó gia tăng tính răn đe.
Về việc tăng mức phạt tiền, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc Ban soạn thảo đề xuất nâng mức phạt tiền tối đa từ 2 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức, từ 1 tỷ đồng lên 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân là còn thấp, mà nên tính toán nâng lên 10 tỷ đồng, thậm chí khi quy mô thị trường chứng khoán phát triển, tính chất nguy hiểm của các vi phạm gia tăng, để đảm bảo tính răn đe có thể tăng mức phạt lên cả trăm tỷ đồng.
Một mặt ủng hộ việc gia tăng mức tiền phạt tối đa đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm so với quy định hiện hành, Luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng Luật sư AIC cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán này, cần khắc phục tình trạng thiếu vắng các chế tài xử phạt nghiêm khắc ngoài tiền.
Theo đó, dự thảo Luật cần tính toán bổ sung những hình thức xử phạt theo thông lệ nhiều thị trường chứng khoán đang áp dụng như cảnh cáo toàn thị trường, đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát đặc biệt…
“Với tư duy mới, việc thiết kế hệ thống chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm cần thiết kế theo các cấp độ: Phạt cảnh cáo toàn thị trường; đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát đặc biệt; không cho giao dịch cổ phiếu trong khoảng thời gian nhất định tùy theo tính chất và mức độ vi phạm; phạt tiền (với mức cao hơn so với hiện tại); khởi tố hình sự để điều tra vi phạm…”, luật sư Sơn đề xuất.
Nguyễn Hữu
Đầu tư Chứng khoán 03-12-2018:
https://baodautu.vn/vi-pham-tren-thi-truong-chung-khoan-can-lam-moi-phuong-cach-xu-ly-d91897.html
(109/1.710)