(ET) – Theo các chuyên gia, việc chỉ định ACV làm nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có thể tiết kiệm thời gian đấu thầu trong giai đoạn chọn nhà đầu tư, tuy nhiên trong toàn bộ quá trình làm chưa chắc đã rút ngắn thời gian như khi tư nhân thực hiện. Việc chọn ACV làm dự án này là rất bất thường.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, trong Báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất công suất 20 triệu khách/năm do TCT Cảng hàng không VN (ACV) thực hiện với vốn đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV.
Phối cảnh nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Trao đổi với Etime xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, việc xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là cần thiết, tuy nhiên việc chọn nhà thầu cần phải xem xét lại.
“Việc này hoàn toàn có thể kêu gọi tư nhân đầu tư, vậy tại sao phải chờ ACV đề xuất, chờ họ bỏ tiền đầu tư? Việc xây dựng nhà ga hành khách không quá khó, tôi thấy có rất nhiều nhà đầu tư đủ năng lực để thi công. Ví dụ như Sân bay quốc tế Vân Đồn cũng do một tư nhân làm, họ làm rất tốt, vậy tại sao chúng ta không đấu thầu?”, ông Long nói.
Ông Long cho biết, theo Luật Đầu tư 2014 thì dự án có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng. Theo đó, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có số tiền đầu tư 10.990 tỷ đồng sẽ thuộc nhóm A và phải do Chính phủ quản lý, là phải đấu thầu.
Theo vị chuyên gia này, việc giao cho ACV có thể thể sẽ tiết kiệm được thời gian đấu thầu trong giai đoạn chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình đầu tư chưa chắc đã rút ngắn thời gian như khi tư nhân thực hiện. Lý do là bởi, ACV vẫn bị chi phối bởi 95% cổ phần nhà nước, theo đó khi thực hiện có rất nhiều gói thầu phải trình, xét duyệt với hàng loạt thủ tục, trong khi đi nếu tư nhân làm thì không cần.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, nên tổ chức đầu thầu dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất để đảm bảo tính minh bạch, công khai.
“Như ở trên tôi nhắc đến sân bay quốc tế Vân Đồn, thực tế tư nhân họ làm rất nhanh, chỉ mất 2 năm làm do không phải thực hiện các thủ tục đấu thầu như đầu tư công”, ông Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Long, kinh tế thị trường là cạnh tranh, mà để đảm bảo được điều đó là phải đấu thầu. Tránh tập trung quá mức vào một doanh nghiệp sinh ra độc quyền. “Hiện AVC cũng được chỉ định làm sân bay Long Thành, giờ giao thêm nhà ga T3 Tân Sân Nhất lo ngại sẽ khó tập trung được vào một việc. Hơn nữa, việc đầu cư công ở nước ta lâu nay kém hiệu quả là vì không cạnh tranh. Có đầu thầu dự án mới minh bạch, công khai mới có thể loại bỏ được lợi ích nhóm. Vì thế, những công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách mà có nhiều đơn vị quan tâm tham gia thì hình thức đấu thầu, công khai, minh bạch là phù hợp với Luật”, ông Long nói.
Cùng ý kiến này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng đã có rất nhiều bài học đắt giá về việc chỉ định thầu, vì thế để tránh những hệ lụy xấu, vì thế với những dự án như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất nên đấu thầu công khai.
Theo luật sư, dự án nhà ga T3 có rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia xây dựng, việc quyết ACV làm là rất bất thường. Đặc biệt, việc một doanh nghiệp có đến 95% cổ phần nhà nước thì rất khó đảm bảo tiến độ bởi một “rừng” pháp lý đang chờ. “Ngoài ra, ACV cũng chưa từng được đánh giá cao về kinh nghiệm so với một số doanh nghiệp tư nhân khác, ví như Sungroup, họ làm sân bay Vân Đồn rất nhanh, chất lượng đảm bảo, giá thành lại khá rẻ”, ông Đức nói.
Ong Lý
————
Etime (Góc nhìn) 26-12-2019:
https://etime.danviet.vn/chon-acv-lam-nha-ga-t3-tan-son-nhat-la-bat-thuong-2019122609064771.htm
(161/889)