2.441. Khó cho vay mua nhà ở xã hội.

(KT&ĐT) – Nếu như trước kia thiếu vốn cho vay mua nhà ở xã hội (NƠXH) thì nay lại có tình trạng có vốn mà không giải ngân được.

Năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh TP Hà Nội được T.Ư phân bổ 50 tỷ đồng triển khai cho vay để mua, thuê NƠXH, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ (NĐ 100). Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Khách hàng tham khảo thông tin một dự án nhà ở xã hội tại quận Hà Đông. Ảnh: Công Hùng

Chủ đầu tư thế chấp dự án, người mua khó vay

Sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện, với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, NHCSXH Hà Nội mới giải ngân được hơn một nửa (25,8 tỷ đồng tính đến 30/11). Trong đó, cho vay xây sửa là 7,9 tỷ đồng; cho vay mua là 17,9 tỷ đồng. Một trong số các nguyên nhân khiến việc giải ngân còn gặp vướng mắc là do chủ đầu tư (CĐT) đã thế chấp dự án để vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Chẳng hạn, căn hộ NƠXH đã được chủ dự án thế chấp để gọi vốn từ các ngân hàng khác, nay người dân muốn vay vốn NHCSXH để mua nhà thì chủ dự án phải giải chấp căn hộ đó.

CĐT trả lời chúng tôi phải đóng hết tiền họ mới giải chấp cả căn hộ cho bên ngân hàng thế chấp. Hoặc nếu không họ chỉ chấp nhận đóng tiền đến đâu giải chấp đến đó. Như vậy khác nào đánh đố chúng tôi vì theo đúng luật phải giải chấp hết thì NHCSXH mới nhận thế chấp căn hộ và giải ngân cho vay.
Chị Phạm Thuỳ Linh – Người mua căn hộ thuộc dự án liên danh Constrexim 1 – Thái Hà

Anh Mai Phí Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khách hàng mua căn hộ tại dự án Nhà cán bộ chiến sĩ Bộ Công an ở số 43 Phạm Văn Đồng thuộc liên danh Constrexim 1 – Thái Hà cho hay, anh đã đóng theo tiến độ hợp đồng 70% căn hộ, nay chỉ còn đợt cuối nên làm thủ tục vay vốn NHCSXH. Mặc dù tất cả các thủ tục theo quy định, anh Trung đều đáp ứng đủ chỉ còn đợi CĐT giải chấp căn hộ từ ngân hàng thế chấp là PVcombank. “Đã qua mấy tháng, nay gần đến thời hạn đóng tiền mà vẫn chưa được vay tôi rất lo” – anh Trung chia sẻ.

Tương tự, Chị Phạm Thùy Linh công tác ở Cục Viễn thông cơ yếu (Bộ Công an) cũng mua nhà thuộc dự án Nhà ở dành cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an. Giá trị theo hợp đồng căn hộ khoảng 1,2 tỷ đồng, diện tích 69,8m2, thời gian mua từ tháng 7/2017, đến nay còn 2 đợt đóng tiền nữa tương đương khoảng gần 400 triệu đồng. Chị Linh làm thủ tục vay vốn 300 triệu đồng tại NHCSXH từ tháng 5/2018. Nhưng khi toàn bộ khâu thủ tục xong hết chỉ còn phần làm thủ tục giao dịch đảm bảo thì CĐT không chịu giải chấp căn hộ nên NHCSXH không thể cho vay.

Cần cơ chế tháo gỡ

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, theo quy định của pháp luật, một trong những điều kiện về năng lực tài chính để DN được thực hiện dự án đầu tư bất động sản là có vốn thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư. Theo Luật Nhà ở năm 2014, CĐT dự án xây dựng nhà ở được thế chấp tại ngân hàng để vay vốn đầu tư hay xây dự án đó. Tuy nhiên, Điều 147, Luật Nhà ở xã hội năm 2014 quy định: Trước khi bán căn hộ, nhà ở cho khách hàng, CĐT phải giải chấp căn hộ đã được thế chấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý. 

Vị luật sư cũng nhận định, các CĐT hiện nay đa số đều phải sử dụng phương thức này để triển khai dự án bởi đặc thù của ngành nghề bất động sản đòi hỏi mức đầu tư lớn. Tuy nhiên, người mua nhà vẫn có thể đối mặt với một số rủi ro bởi pháp luật hiện hành không có quy định bắt buộc CĐT phải công khai giấy tờ cho người mua nhà khi ký hợp đồng. Vì vậy, rủi ro là người mua không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ hồng) hoặc không làm được thủ tục vay vốn (như ở một số trường hợp trên) dẫn đến tình trạng khiếu kiện. 

Theo đại diện NHCSXH TP Hà Nội, với những quy định chặt chẽ về cho vay vốn NƠXH, ngân hàng chỉ cho vay đối với các trường hợp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Mỗi CĐT sẽ lựa chọn cách giải chấp cả dự án hay giải chấp từng phần, từng căn hộ, song đều phải đảm bảo việc cung cấp đầy đủ hồ sơ, thủ tục giải chấp cho khách hàng trong thời hạn đúng như cam kết trong hợp đồng ba bên.

Cũng theo NHCSXH Hà Nội, khách hàng mua nhà thanh toán theo từng đợt nên nếu người mua có nhu cầu vay vốn và tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều CĐT đã sẵn sàng ký hợp đồng 3 bên để tạo điều kiện cho khách hàng như Công ty CP Vinaconex 21, Công ty CP BIC Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Bộ Quốc phòng… Nhưng với trường hợp của liên danh công ty Constrexim 1 – Thái Hà hoặc một số trường hợp khác NHCSXH đã làm việc với CĐT, tìm cách giải quyết, phía CĐT vẫn không hợp tác.

Nhiều khách hàng đang lo ngại quy trình giải chấp căn hộ tại các dự án kéo dài có thể khiến người vay bị lỡ. Làm sao có cơ chế tháo được rào cản để người mua dễ dàng được tiếp cận vốn vay mua nhà, lúc đó mới giải quyết được phần nào giấc mơ an cư cho người thu nhập thấp.

TRÂM ANH

——–

Kinh tế & Đô thị (Kinh tế) 10-12-2018:

http://kinhtedothi.vn/kho-cho-vay-mua-nha-o-xa-hoi-331654.html

 (247/1.096)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,979