2.442. Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Còn tình trạng “bỏ cũ, thêm mới”

(HQ) – Hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta ngày càng hoàn thiện, có những bước tiến đáng kể. Việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh đã và đang được các bộ, ngành triển khai, được cộng đồng DN đánh giá cao. Tuy vậy, hành trình vẫn còn dài…

DN luôn mong có môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn. Ảnh: H.Dịu.

“Lặng lẽ”

Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019” do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố đã nhận xét, sau hơn 3 năm (kể từ năm 2016), danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang tiếp tục được tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung. Kết quả đã bãi bỏ được 12 ngành nghề, sửa đổi 19 ngành nghề, bổ sung thêm 6 ngành nghề. Điều này là một bước tiến quan trọng trong hoạt động thúc đẩy quyền tự do kinh doanh.

Tuy nhiên, so với những năm trước, năm 2019, hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh khá “lặng lẽ”. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, tính đến giữa tháng 11/2019, VCCI chỉ nhận được hai đề nghị góp ý của hai bộ đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do bộ quản lý, đó là Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Còn theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 27/6/2019 về đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và tác động thực chất đối với DN thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ biết được thông tin có hai bộ (gồm Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch thực hiện việc bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 02 trong năm 2019.

Tuy nhiên, những bộ đã tuyên bố cắt giảm thì VCCI lại cho rằng, một số quy định sửa đổi điều kiện kinh doanh trong dự thảo vẫn còn hình thức. Chẳng hạn: Có điều khoản được sửa đổi hay bãi bỏ nhưng không thay đổi bản chất của quy định, có điều kiện được sửa đổi nhưng chưa triệt để. Tiêu biểu như dự thảo nghị định có sửa đổi, bổ sung một số điều kiện kinh doanh khí tại Nghị định 87/2018/NĐ-CP có một số điều kiện kinh doanh chưa hợp lý vẫn được giữ lại, như: Điều kiện yêu cầu thương nhân phải có hợp đồng thuê cơ sở vật chất với thời hạn thuê tối thiểu (thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí có cầu cảng hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 5 năm cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng; thương nhân sản xuất chế biến khí có phòng thử nghiệm chất lượng khí hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 1 năm của thương nhân, tổ chức có phòng thử nghiệm đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định tại quy chuẩn quốc gia…). Yêu cầu thời hạn tối thiểu của hợp đồng thuê là chưa hợp lý, can thiệp vào quyền thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.

Hành trình còn dài

Rõ ràng, cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn luôn là mong muốn “tha thiết” của cộng đồng DN. Bởi điều này sẽ giúp DN thuận lợi, dễ dàng hơn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, do những lợi ích còn tiềm ẩn… nên việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho các DN vẫn chưa được thực chất. Thậm chí, nhiều DN còn cho biết, vẫn còn không ít điều kiện kinh doanh bất hợp lí vẫn đang tồn tại, thậm chí diễn ra tình trạng “bỏ cũ thêm mới”, DN gặp khó khăn hơn với chính các điều kiện kinh doanh được sửa đổi.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thay vì cắt bỏ, đôi co về điều kiện đầu tư, kinh doanh, rất cần có giải pháp mạnh mẽ, triệt để để ngăn chặn từ gốc. Chẳng hạn, để bảo vệ được quyền tự do kinh doanh thì cần cho phép người dân và DN khởi kiện hủy bỏ quy định trái luật, tái lập hoạt động bình chọn 10 quy định tồi nhất hàng năm. Để loại bỏ điều kiện với người đại diện theo pháp luật, thì cần bỏ quy định về người đại diện theo pháp luật như lâu nay là người đứng đầu DN, thay vào đó là cơ chế đại diện pháp lý. Việc này sẽ tránh được quy định về việc chủ tịch, giám đốc là người đại diện theo pháp luật phải có trình độ, bằng cấp, chứng chỉ. Nếu không thì không giải quyết được mâu thuẫn, lẫn lộn giữa quản lý với nghề nghiệp, giữa thương mại với chuyên môn.

Thực tế là việc cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn đang được các bộ, ngành triển khai nhưng theo trình tự rút gọn khiến các đối tượng chịu tác động có thể không nhận biết được chính sách. Vì thế, những vấn đề nêu trên cho thấy, cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là một chặng đường dài và sẽ phải được thực hiện thường xuyên, chất lượng. Cộng đồng DN vẫn luôn đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực của cơ quan quản lý để hướng tới thị trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, DN cũng phải nêu lên tiếng nói của mình, bởi sự tham gia của DN vào quá trình này sẽ đảm bảo tính khả thi và sự đồng thuận của chính sách khi được ban hành.

Bình Nam

————-

Hải quan (Doanh nghiệp) 27-12-2019:

https://haiquanonline.com.vn/cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-con-tinh-trang-bo-cu-them-moi-117933.html

(173/1.044)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,865