(TCCT) – Ở Việt Nam hiện nay, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang là một nhu cầu rất cấp thiết. Khung pháp lý về hỗ trợ pháp lýdoanh nghiệp của Việt Nam đã được xây dựng từ lâu, và đang được liên tục hoàn thiện, để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong tình hình mới. Bài viết phân tích các quy định của pháp luật, mà chủ yếu là Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trên cơ sở so sánh với các văn bản pháp lý trước đây về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, cũng như phân tích tình hình thực tiễn, bài viết đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.
Nhu cầu được hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp
Trong nền kinh tế quốc dân, một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong hoạt động gia nhập thị trường và tiến hành kinh doanh là các chi phí để tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ngoài các quy định pháp luật chung về doanh nghiệp, thương mại, thuế…, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực họ kinh doanh. Việc chấp hành các quy định pháp luật này được đặt dưới sự giám sát của nhiều cơ quan chức năng như hải quan, công an, cơ quan thanh tra, cơ quan thuế, cơ quan quản lí thị trường,…
Mặc dù sự quản lí, giám sát và điều tiết nền kinh tế là hoạt động của bất cứ nhà nước nào, song bên cạnh những tác động tích cực, những hoạt động này cũng tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, trong những ngành nghề mới, những lĩnh vực kinh doanh mà hành lang pháp lí chưa hoàn chỉnh, tồn tại những “vùng xám”(1), “vùng trắng”(2) pháp lí, áp lực chi phí tuân thủ pháp luật lại càng thêm nặng nề. Đã xuất hiện hiện tượng nhiều doanh nghiệp phải thành lập tại nước ngoài để thử nghiệm các mô hình, phương thức kinh doanh mà qui định pháp lí ở Việt Nam chưa rõ ràng, nhằm tránh rủi ro.
Bên cạnh đó, trong hoạt động kinh doanh, đàm phán, kí kết và thực hiện hợp đồng với khách hàng, đối tác, doanh nghiệp cũng rất cần nắm bắt các qui định của pháp luật, để có cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Từ những thực tế đó, có thể thấy rằng, nhu cầu được tư vấn, hướng dẫn về các qui định pháp luật của doanh nghiệp là rất lớn. Bên cạnh việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý từ các tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý của Nhà nước là một kênh quan trọng để thỏa mãn nhu cầu về pháp lý của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung xây dựng “Quốc gia khởi nghiệp”, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0 lại càng đòi hỏi sự hỗ trợ về nhiều mặt, trong đó có hỗ trợ pháp lý.
Khung quy định pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam
Trước khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành năm 2017, cơ sở pháp lý cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trên cơ sở Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.
Có thể thấy được sự thay đổi trong cách tiếp cận của các nhà làm luật, đó là từ chỗ hoạt động hỗ trợ pháp lý “được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động” (3) chuyển sang hoạt động hỗ trợ pháp lý có trọng tâm, hướng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này là hợp lý, vì các doanh nghiệp này thường có nguồn lực nhỏ, ít khi có điều kiện tổ chức được bộ phận pháp chế nội bộ có chuyên môn cao, nên thường gặp khó khăn trong tuân thủ pháp luật và dễ bị thua thiệt khi có tranh chấp.
Tuy nhiên, trên thực tế, sự thay đổi này ít có ý nghĩa thực tế, bởi lẽ phạm vi quy định về doanh nghiệp nhỏ và vừa của pháp luật Việt Nam hiện nay rất rộng, nên hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đây (trong thời kì có hiệu lực của Nghị định 66/2008), cũng hiếm khi các doanh nghiệp lớn (có bộ phận pháp chế chuyên nghiệp) cầu viện đến kênh hỗ trợ pháp lý của Nhà nước, nên mặc dù hỗ trợ pháp lý được thực hiện với mọi doanh nghiệp, song chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo định nghĩa của Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP: “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là việc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện các hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”.
Như vậy, lần đầu tiên trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã đưa ra định nghĩa về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, định nghĩa này vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện thêm:
Về chủ thể hỗ trợ pháp lý, cách định nghĩa của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP dẫn đến cách hiểu rằng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có thể là các cơ quan hành chính nhà nước (Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh). Các tổ chức đại diện doanh nghiệp (như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – VINASME…) nếu có tham gia hỗ trợ pháp lý cũng chỉ ở vai trò hỗ trợ, phối hợp. Điều này là một “bước lùi” so với Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, cũng đồng thời không phù hợp với quy định tại Khoản 3, Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: “Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Như vậy, vai trò của các tổ chức đại diện doanh nghiệp là độc lập và ngang bằng với các cơ quan nhà nước trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện này trên thực tế thường xuyên tiến hành hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách độc lập, hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước.
Về hình thức thực hiện hỗ trợ pháp lý, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã ghi nhận và cụ thể hóa 2 hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đó là: (i) xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; và (ii) xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý.
Có thể thấy, so với nội dung Chương 2 của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã đi theo hướng qui định chung hơn. Nhiều nội dung quy định về các hình thức hỗ trợ pháp lý cụ thể của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP đã được bỏ đi, hoặc gộp chung vào 2 hình thức tư vấn chung.
Đối với hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã mở rộng nội hàm của “cơ sở dữ liệu về pháp luật“, bao gồm: (i) cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật, (ii) cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý.
Theo đó, cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý bao gồm:
Thứ nhất là các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và được phép công khai hoặc kết nối với cổng thông tin điện tử công khai các văn bản này;
Thứ hai là các văn bản trả lời của Bộ, cơ quan ngang Bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình áp dụng pháp luật;
Thứ ba là các văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật đối với các vụ việc, vướng mắc pháp lý theo yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có thể thấy, nếu có thể thực hiện được trên thực tế, đây là cơ sở dữ liệu rất quí, là mỏ “vàng mười” cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp sẽ rất dễ dàng tiếp cận được các văn bản qui phạm pháp luật của Nhà nước, bởi các văn bản này được công khai rất rộng rãi. Tuy nhiên, với từng tình huống cụ thể, với những vướng mắc trong áp dụng pháp luật trên thực tế, doanh nghiệp rất thiếu những khuôn mẫu, những tiền lệ để ứng xử khi có tình huống xảy ra.
Việc xây dựng và cung cấp đến doanh nghiệp các vụ việc và giải đáp các vướng mắc pháp lí một cách có hệ thống sẽ cho phép doanh nghiệp dự đoán trước được những hệ quả mà những hành xử của mình có thể mang lại, theo quy định của pháp luật. Việc đoán định trước được những hệ quả pháp lý sẽ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh trên thực tế.
Đối với hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP định nghĩa: “Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là tập hợp các hoạt động do một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện dưới các hình thức, nội dung cụ thể, trong một thời hạn nhất định theo quy định của Nghị định này nhằm cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”(4).
Theo Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, căn cứ để xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là: (i) nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng thời kỳ, ngành, lĩnh vực, địa phương; (ii) chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và kế hoạch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh; (iii) nguồn lực của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp(5).
Các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:
(i) Hoạt động cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có);
(ii) Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bao gồm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật;
(iii) Hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực của các cơ quan, tổ chức tiến hành hỗ trợ pháp lý.
Thời hạn thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tối đa là 5 năm.
Nghị định số 55/2019/NĐ-CP cũng dành nhiều dung lượng để quy định về xây dựng, phê duyệt và triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một số bất cập và đề xuất hoàn thiện pháp luật
Nghị định số 55/2019/NĐ-CP mới đi vào có hiệu lực từ ngày 16/8/2019, nên nhìn chung hiện nay đa số các cơ quan, tổ chức hữu quan vẫn đang trong giai đoạn chuyển mình từ khung quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP sang Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế, vừa do yếu tố lịch sử của thời kì quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, vừa do yếu tố chủ quan của chính các đối tượng liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp:
Thứ nhất, hiện nay vẫn có nhiều bộ ngành, tỉnh thành chưa tích cực vào cuộc trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chưa xây dựng được chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp.
Thứ hai, kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế. Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã được ban hành, nhưng chế độ tài chính cho công tác này vẫn tuân theo Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 của Liên bộ Tài chính – Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Có thể nói rằng hiện nay ngân sách đang là chiếc áo quá chật chội, không đủ dư địa cho công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong tình hình mới.
Theo ước tính của luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, so với nhu cầu hỗ trợ pháp lý và số lượng doanh nghiệp trên cả nước và ở từng địa phương và số lượng kinh phí Nhà nước bỏ ra thì tính ra trung bình mỗi năm mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ số tiền tương đương 01 cuốn sách(6).Trong khí đó, tại Hàn Quốc, mỗi năm Nhà nước hỗ trợ pháp lý cho mỗi doanh nghiệp tối đa 1/3 kinh phí hoặc tối đa 2.000 USD/trên mỗi vụ kiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp(7).
Thứ ba, đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn mỏng, yếu, chất lượng chuyên môn chưa cao, chế độ đãi ngộ còn hạn chế.
Trên cơ sở những phân tích ở trên, có thể thấy: Để Nghị định số 55/2019/NĐ-CP thực sự đi vào thực tế, phát huy hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần thực hiện đồng bộ những biện pháp sau đây:
Thứ nhất, cần hoàn thiện định nghĩa về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, theo hướng ghi nhận các tổ chức đại diện doanh nghiệp như một chủ thể tích cực và năng động của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, có thể độc lập hoặc phối hợp với các cơ quan nhà nước trong tiến hành hỗ trợ pháp lý.
Thứ hai, cần chuyên môn hóa đội ngũ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cụ thể bao gồm:
Một là, chuyên môn hóa các cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay những vị trí này đều là cán bộ kiêm nhiệm. Việc chuyên môn hóa sẽ đồng thời với việc tạo điều kiện để họ nâng cao kiến thức, kỹ năng và văn hóa ứng xử trong công tác trợ giúp doanh nghiệp cũng như nâng cao trách nhiệm công việc.
Hai là, tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Điều này mang đến nhiều lợi ích, vừa tiết kiệm chi phí cho Chương trình, vừa nâng cao hiệu quả hỗ trợ vì đây là đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, có chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm. Trước mắt, để huy động được đội ngũ này tham gia Chương trình, Ban chỉ đạo Chương trình cần tiến hành việc gửi phiếu thăm dò ý kiến về các đoàn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn để đánh giá về khả năng, điều kiện tham gia; sau đó sàng lọc và gửi phiếu đăng ký cho các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có chuyên môn phù hợp và có nguyện vọng tham gia Chương trình. Việc tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư tham gia Chương trình còn mang lại lợi ích về lâu dài: tạo thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp; đội ngũ luật sư có điều kiện để nâng cao nghiệp vụ và hoạt động chuyên sâu; những điều này là tiền đề quan trọng cho sự phát triển thị trường dịch vụ pháp lý và từng bước nâng cao ý thức pháp luật của doanh nghiệp, đây mới là mục tiêu cơ bản, quan trọng nhất cần hướng tới(8).
Thứ ba, cần gấp rút xây dựng và hoàn thiện trên thực tế các cơ sở dữ liệu về các vụ việc và vướng mắc pháp lý, bởi đây là nguồn dữ liệu rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn không chỉ với hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, mà còn là với hoạt động của nghề luật sư, hoạt động trợ giúp pháp lý, hoạt động xét xử, giảng dạy và nghiên cứu khoa học pháp lý. Riêng đối với công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, cần tóm tắt và giải thích các vụ việc, vướng mắc pháp lý theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp cận với doanh nghiệp.
Thứ tư, cần nhanh chóng tăng cường nguồn lực cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực tài chính, vật chất. Cần sửa đổi định mức tài chính cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, đồng thời huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp. Có thể cân nhắc mô hình hợp tác công – tư(PPP), để Nhà nước có thể giao một số khâu, một số công đoạn trong hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, nhằm tiết giảm chi phí và tăng cường hiệu quả, thực chất.
Thứ năm, trên cơ sở thống nhất các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, cần nghiên cứu tổ chức việc hỗ trợ pháp lý liên ngành trên nhiều lĩnh vực: thuế, kế toán, pháp lý… cho doanh nghiệp, để thống nhất, đồng bộ và tiết kiệm chi phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp.
Kết luận
Công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp đang có bước chuyển biến lớn, với việc ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay đang có sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ ngành, tập trung vào các mặt như xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Tuy đã có được một số thành tựu, song hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, chủ yếu nằm ở cơ chế, chính sách trong hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp. Cần gấp rút hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo hướng chuyên môn hóa nhân lực, tăng đầu tư nguồn lực, huy động sự đóng góp của toàn xã hội vào công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, để kích thích hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguyễn Ngọc Khánh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Lam Sơn Global)
—————–
Tạp chí Công thương 01-01-2020:
(91/3.985)