(CFL) – Đó là đánh giá của luật sư Trương Thanh Đức, Uỷ viên Ban chấp hành Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, liên quan đến quy định khống chế chi phí lãi vay 20% của Nghị định 20/2017.
CafeLand: Ngày 24-2-2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Sau 2 năm áp dụng, theo ông, nghị định này đã bộc lộ những bất cập gì?
Luật sư Trương Thanh Đức: Qua thời gian ngắn áp dụng, Nghị định 20 đã bộc lộ nhiều bất cập. Với tỷ lệ như vậy, tôi cho rằng sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp khi nhu cầu vay vốn là chính đáng và cần thiết. Trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế thì áp dụng tỷ lệ này, thậm chí thấp hơn thì không vấn đề gì. Nhưng trong trường hợp này, tôi cho là quy định không rõ ràng, có sự nhầm lẫn trong việc áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài nhằm tránh tình trạng lợi dụng đầu tư công ty mẹ – con, giao dịch liên kết, chuyển giá ra nước ngoài.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, kể cả có hiện tượng chi phí lãi cao, chi phí giữa các doanh nghiệp liên kết, hay sự bất thường tại các công ty mẹ – con thì cuối cùng các doanh nghiệp này cũng nộp thuế ở Việt Nam, không công ty mẹ thì công ty con nộp. Cho nên về nguyên tắc cần xem xét, tạm thời chưa nên áp dụng quy định này.
Luật sư Trương Thanh Đức.
Ông có thể chỉ rõ những khó khăn đối với doanh nghiệp trong nước khi bị áp dụng nghị định này?
Nhìn chung các doanh nghiệp đi vay vốn rất nhiều. Thậm chí có thời điểm thống kê cho thấy có 70 – 80% nguồn vốn của doanh nghiệp là đi vay từ ngân hàng, chưa nói đến các nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu. Đặc biệt với các doanh nghiệp mới thành lập, trong đó có doanh nghiệp bất động sản là điển hình phải đi vay vốn rất nhiều.
Nhiều doanh nghiệp dù không liên quan đến giao dịch chuyển giá nhưng cuối cùng vẫn bị ngoại trừ chi phí hợp lệ đến hàng nghìn tỉ đồng như tập đoàn điện lực. Rõ ràng đây không còn là câu chuyện cá biệt nữa. Quy định ban hành nhằm mục đích chống chuyển giá nhưng lại ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường nhất, hợp pháp nhất của doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, đi cùng là phải bắt kịp với thông lệ quốc tế và Nghị định 20 cũng nằm trong xu hướng đó. Theo ông, làm thế nào để có thể vừa đảm bảo tính hội nhập, vừa hài hoà lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước? Nên chăng cần có cơ chế riêng đối với doanh nghiệp trong nước?
Thông lệ, nếu chỉ áp dụng một cách máy móc có thể gây tác dụng ngược lại.
Về nghị định này, thứ nhất, tỷ lệ cần được đi kèm cách áp dụng, tính toán như thế nào cho hợp lý.
Thứ hai, quy định đều phải nhằm mục tiêu quan trọng nhất không phải là chặn giới hạn vay, chi phí vay mà là chặn chuyển giá, sâu hơn là ngăn chặn tình trạng trốn thuế. Nếu đạt được 2 mục tiêu đó thì hoàn toàn nhất trí.
Nếu doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá nhưng không làm rõ được thì cần áp dụng tỷ lệ để ngăn chặn, còn nếu không có dấu hiệu chuyển giá thì tỷ lệ dù cao bao nhiêu cũng không nên điều chỉnh. Các nước khác cũng vậy.
Tuy nhiên, văn bản của chúng ta không rõ ràng, thế nên được hiểu và được áp dụng một cách cào bằng. Kết quả là từ năm ngoái đến năm nay, doanh nghiệp nước ngoài không kêu ca, không bị ảnh hưởng, trong khi đó tất cả doanh nghiệp Việt Nam không liên quan đến chuyển giá thì lại bị ảnh hưởng. Như vậy, quy định đã bị chệnh mục tiêu, không đúng bản chất vấn đề.
Theo ông nên áp dụng tỷ lệ bao nhiêu thì hợp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Nếu áp dụng mức 20% thì phải tính toán dựa trên đầu ra, đầu vào với cách thể hiện hoàn toàn khác. Còn nếu như không tính được thì phải tính đến tỷ lệ cao hơn rất nhiều. Ví dụ, ở các nước văn minh, phát triển, họ áp tỷ lệ đến 30% thì chúng ta ít nhất cũng phải tính đến tỷ lệ đó.
Việc áp dụng quy định khống chế chi phí lãi vay 20% ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong nước.
Có một số doanh nghiệp đề xuất, nếu nghị định này sửa đổi hoặc không áp dụng nữa thì họ yêu cầu được hoàn lại số tiền phải đóng trong suốt thời gian áp dụng nghị định này. Theo ông, điều đó có hợp lý?
Nếu rà soát lại và thấy rằng doanh nghiệp không có dấu hiệu chuyển giá, thì nên giải quyết vấn đề đó cho doanh nghiệp. Việc nộp thuế thời gian vừa qua phải được hoàn lại nếu không đúng bản chất.
Hiện nay, Chỉ thị 20 của Chính phủ quy định chỉ được thanh, kiểm tra thuế của doanh nghiệp 1 năm 1 lần. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp có thể bị kiểm tra 2-3 lần bởi các bộ ngành khác nhau. Ông nhìn nhận sao về câu chuyện này?
Các doanh nghiệp kêu ca rất nhiều, một lĩnh vực bị kiểm tra trên một lần, có lĩnh vực bị trên chục lần. Thực tế này có nhiều lý do, có thể văn bản chỉ nói chung chung, chưa chỉ rõ một lần thì ai làm đầu mối, ai quyết định việc đó. Trong khi các cơ quan chức năng có quyền hạn khác nhau, họ phải thực hiện nhiệm vụ bởi nếu để xảy ra sai sót gì thì họ phải chịu trách nhiệm. Và các lĩnh vực bị thanh tra, kiểm tra có thể không hoàn toàn trùng lặp, nếu nói chi tiết ra thì không biết vi phạm hay không vi phạm. Việc này tôi cho là vướng mắc cần đươc làm rõ. Cụ thể, cách thức kiểm tra như thế nào, trong lĩnh vực nào… thì mới hạn chế được chứ nói chung chung thì mấy năm nay thực trạng này vẫn chưa có thay đổi.
Theo ông, việc thanh tra, kiểm tra thuế nhiều lần như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp?
Doanh nghiệp sẽ rất mệt mỏi, mất thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, uy tín, thương hiệu và cả hợp đồng với khách hàng. Thế nhưng cơ quan thuế cũng dựa trên cơ sở có dấu hiệu vi phạm, hoặc sai sót trong hoá đơn chứng từ thì họ sẽ tiến hành kiểm tra. Quả thật rất khó bắt bẻ đó là vi phạm chỉ thị của Thủ tướng.
Còn một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nhiều khi không cố tình làm sai mà do văn bản chính sách của các bộ ban ngành ban hành nhiều khi chưa rõ ràng, chồng chéo, mỗi lúc lại hướng dẫn một cách khác nhau, đẩy họ vào thế sai. Đến khi kiểm tra phát hiện ra lỗi sai đó thì cơ quan chức năng cho rằng do doanh nghiệp và truy thu thuế rất lớn. Theo ông, làm sao để doanh nghiệp tránh được việc này?
Tôi cho rằng ngoài cách thức, phương pháp, trình độ quản lý của cơ quan chức năng thì một yếu tố vô cùng quan trọng mà theo như chương trình Quốc hội đặt ra đó là sửa đổi “gốc” – tức luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật đó phải giải quyết theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ở các nước, doanh nghiệp, người dân được lựa chọn văn bản nào có lợi, thuận lợi thì họ áp dụng, còn cơ quan nhà nước làm sai, ban hành văn bản chồng chéo thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Hiện nay, các văn bản của chúng ta đang khiến doanh nghiệp và người dân luôn luôn bị bắt bẻ.
Theo ông, có chi phí không chính thức xảy ra giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế hay không?
Mọi cái không rõ ràng thì sẽ dẫn đến tình trạng mặc cả, tiêu cực, nhũng nhiễu. Bởi khi đó, có người chấp nhận thế này, người chấp nhận thế khác. Doanh nghiệp phải đi giải thích, trình bày, được hay không được chấp nhận phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cán bộ thì rất dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, sai phạm.
Xin cảm ơn ông!
Tâm An
CafeLand (Góc nhìn chuyên gia) 20-12-2018:
(1.560/1.560)