(ĐT) – Đưa ra khung về mức phạt nhưng thiếu cụ thể về tiêu chí và mức độ vi phạm, chưa nêu sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc giám sát và xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Hành vi mua, bán ngoại tệ không đúng nơi quy định đề xuất phạt 10 – 20 triệu đồng, thay vì mức phạt hiện nay là 80 – 100 triệu đồng. Ảnh: Phú An
Đây là những điểm chưa rõ tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Giảm khung phạt nhưng chưa cụ thể
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 96/2014/NĐ-CP với mục tiêu hoàn thiện cơ sở pháp lý trong hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiền tệ và ngân hàng. Điểm đáng chú ý tại Dự thảo là giảm mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi mua bán ngoại tệ và vàng không đúng quy định.
Theo đó, mức phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ được sửa đổi thành “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; Mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”.
Tương tự với hành vi mua, bán vàng miếng, quy định “Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng” được sửa đổi thành: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng”.
Đáng chú ý, Dự thảo giữ nguyên khung mức phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm trong giao dịch thẻ ngân hàng trong bối cảnh các hành vi vi phạm này ngày càng trở nên tinh vi và có thể ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Đánh giá về dự thảo này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nêu một số điểm tích cực, đó là, đã đưa ra nhiều hình thức, mức phạt khác nhau và phần nào nêu được nhiệm vụ của cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, điểm hạn chế của Dự thảo là chưa nêu cụ thể tiêu chí xác định mức độ vi phạm và các mức phạt tương ứng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng hành vi vi phạm có tác động không đáng kể và hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng có khoảng cách về mức xử phạt không quá lớn.
Đơn cử như trường hợp vi phạm về tiết lộ thông tin thẻ ngân hàng, hành vi vi phạm vô ý và vi phạm cố ý hoặc vi phạm có tổ chức có thể gây những hậu quả rất khác biệt, song khoảng cách về khung hình phạt chỉ là 50 triệu đồng.
Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Trương Thanh Đức nói: “Vi phạm về lấy cắp và tiết lộ thông tin thẻ ngân hàng ở mức độ sơ suất mà chịu phạt tối thiểu 50 triệu đồng là quá nhẹ[1], còn nếu trường hợp một nhóm cùng phối hợp để thực hiện hành vi, gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tối đa 100 triệu đồng cũng chưa hẳn đã đủ sức răn đe”.
Cần giải pháp từ gốc
Với nhiều năm quan sát diễn biến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng của Việt Nam, ông Trương Thanh Đức cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là đúng, song cần xem xét lại về mức xử phạt tương ứng với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm. “Có thể xem xét bỏ hẳn việc xử lý vi phạm bằng tiền với người dân hoặc chỉ xử phạt ở mức tối đa vài triệu đồng. Còn mức xử phạt với doanh nghiệp sai phạm là phù hợp”, ông Đức nhấn mạnh.
Xem xét từ góc độ thực thi chính sách, ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm về việc cần nêu rõ sự phối hợp giám sát và thực hiện xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng. “Nếu không, khi xảy ra vi phạm lại phải mất thời gian để phân công các đơn vị xử lý trách nhiệm”, vị chuyên gia này nói.
Về định hướng giải quyết tận gốc vấn đề, theo ông Lực, hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như các đại lý thu đổi ngoại tệ cần tăng cường công khai, minh bạch về địa điểm thu đổi ngoại tệ, giờ giấc giao dịch và khả năng giao dịch trực tuyến. Đồng thời, tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, để người dân quy đổi ngoại tệ không thấy phiền phức sẽ không nghĩ đến việc tìm những đại lý không chính thức. “Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiểu biết kiến thức tài chính cho người dân và doanh nghiệp để tránh hiện tượng nhiều người vô tình vi phạm”, ông Lực nhấn mạnh.
Hoàng Oanh
Đấu thầu (Tài chính) 20-12-2018:
http://baodauthau.vn/tai-chinh/chua-ro-tieu-chi-phat-trong-thu-doi-ngoai-te-87836.html
(195/992)
[1] Trích sai: Sơ suất thì quá nặng