(TD) – Ngân hàng Quân Đội thừa nhận gặp sự cố lỗi giao dịch online vượt hạn mức
Ngày 8.1.2020, một số khách hàng cá nhân sử dụng thẻ rút hoặc thanh toán, chi tiêu vượt quá số dư, hạn mức thẻ của Ngân hàng Quân Đội cấp cho khách hàng.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc “hệ thống của MB Bank gặp lỗi khiến người dùng có thể dùng thẻ debit thanh toán như thẻ tín dụng, không có tiền vẫn thanh toán được”.
Ngân hàng Quân Đội thừa nhận gặp sự cố lỗi giao dịch online vượt hạn mức |
Một số diễn đàn mạng đã lan truyền thông tin vào rạng sáng ngày 8/1 rất nhiều thẻ và tài khoản của MB có khả năng rút/thanh toán/chi tiêu vượt quá hạn mức của tài khoản. Lỗi thanh toán này khiến nhiều khách hàng thanh toán thoải mái mà không gặp vấn đề gì dù trong tài khoản không có tiền. Các tin đồn cũng cho rằng đây là lỗi hệ thống của MB chứ không phải bị hack và khiến ngân hàng này thiệt hại hàng trăm tỷ đồng chỉ trong một đêm.
Cùng với đó, trên mạng Internet còn lan truyền ảnh chụp màn hình được cho là email của MB chỉ đạo ban lãnh đạo các chi nhánh khẩn trương làm việc với khách hàng để thu hồi tổn thất cho MB. Đồng thời, một số người dùng mạng chia sẻ về việc được MB liên hệ và mời đến các chi nhánh để thu hồi lại khoản tiền đã chi tiêu vượt hạn mức.
Trong thông cáo vừa được phát đi, Ngân hàng Quân Đội (MB) thừa nhận gặp sự cố lỗi giao dịch online vượt hạn mức. Ngân hàng này cũng khẳng định sự cố đã được khắc phục.
“Ngay sau khi phát hiện sự việc, MB đã thực hiện phong tỏa tài khoản thẻ của nhóm khách hàng này và yêu cầu hoàn trả các khoản đã chi tiêu vượt hạn mức theo đúng quy định. Sự cố này không gây ảnh hưởng đến MB và tài sản của các khách hàng khác tại MB”, ngân hàng này khẳng định.
Phỏng vấn luật sư Trương Thanh Đức trên Nhà đầu tư về trường hợp sự cố xảy ra tại MB, ông Đức cho rằng, dù đây là lỗi từ phía ngân hàng để khách hàng có thể “phóng tay” chi tiêu quá hạn mức, số dư trong tài khoản, tuy nhiên, khách hàng vẫn buộc phải trả lại tiền cho ngân hàng khi bị đòi.
“Theo Luật Dân sự đó là hưởng lợi vô căn cứ nên việc chi tiêu như vậy không được coi là hợp pháp nên ngân hàng có quyền đòi lại không thiếu một đồng. Với trường hợp chiếm giữ trái phép 10 triệu trở lên đã được thừa nhận, chứng minh là tiền của ngân hàng mà khách hàng không trả lại khách hàng có thể bị đi tù”, ông Đức nói.
Tuy nhiên, theo ông Đức đây là lỗi xuất phát từ phía ngân hàng nên với số tiền khách hàng tiêu quá hạn mức của khách hàng không thể bị hành xử như một khoản nợ mà cần có sự thoả thuận hợp lý từ 2 phía. Trừ trường hợp khách hàng cố tình không trả lại, ngân hàng có thể khởi kiện và lúc ấy số tiền ấy mới được tính là khoản nợ.
Huy Anh (ĐTVN)/SHTT
———–
Tiêu dùng (bảo vệ người tiêu dùng) 13-01-2020:
(212/611)