2.452. Cơ hội chuẩn hóa giao dịch đảm bảo

(NH) – Sau 13 năm được ban hành và áp dụng, mặc dù Nghị định 63/2016 của Chính phủ (NĐ 163) đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 11/2012, nhưng các quy định pháp lý của văn bản này vẫn có quá nhiều bất cập khiến hoạt động thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng cũng như xử lý các tranh chấp, phát sinh trong quá trình giao dịch đảm bảo vẫn gặp rất nhiều trở ngại.

Nhiều vướng mắc về tài sản thế chấp

Tổng hợp những vướng mắc trong thực tiễn thi hành NĐ 63, báo cáo mới đây của Bộ Tư pháp ghi nhận, ít nhất có 15 vướng mắc mà văn bản pháp lý này gặp phải, gây cản trở cho hoạt động thế chấp vay vốn và xử lý các phát sinh trong giao dịch đảm bảo nghĩa vụ dân sự.

Cụ thể, hiện nay các văn bản luật như: Bộ luật Dân sự 2015, Luật DN 2014, Luật Đất đai năm 2013… đều đã ghi nhận tư cách chủ thể của thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác khi xác lập và thực hiện các giao dịch đảm bảo, nhưng NĐ 163 và các văn bản liên quan vẫn chưa có những quy định hướng dẫn chi tiết các tổ chức kinh tế này triển khai xác lập và thực hiện giao dịch đảm bảo.

Đối với các tài sản dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, hiện nay Bộ luật Dân sự 2015 và nhiều văn bản liên quan đã có quy định mới về tài sản và quyền sở hữu, chẳng hạn: công nhận tài sản bất động sản bao gồm tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định về quyền tài sản theo hướng tiếp cận rộng hơn, bao gồm: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, quyền hưởng dụng, quyền đối bất động sản liền kề… Tuy nhiên, NĐ 163 và các văn bản hướng dẫn vẫn chưa cập nhật nên khi triển khai giao dịch đảm bảo trên thực tế những pháp lý cởi mở này chưa được áp dụng.

Ngoài ra, hiện nay NĐ 163 mới chỉ có quy định hướng dẫn đối với trường hợp tài sản đảm bảo (TSĐB) là quyền đòi nợ, chưa có hướng dẫn áp dụng đối với các quyền tài sản khác như quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, quyền đối với đối tượng sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, đối với tài sản sổ tiết kiệm, hiện NĐ 163 đang nhận diện không đúng bản chất pháp lý của giấy tờ này khi coi sổ tiết kiệm là TSĐB, trong khi về bản chất pháp lý giấy tờ này chỉ là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền.

Đồng quan điểm, LS. Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho rằng, chỉ tính riêng các vướng mắc liên quan đến TSĐB và giao dịch thế chấp, NĐ 163 đang vướng phải một loạt các nút thắt cần phải nhanh chóng sửa đổi. 

Theo đó, các giao dịch như cầm cố sổ tiết kiệm, thế chấp hàng hóa luân chuyển, thế chấp xe ô tô, thế chấp nhà ở, thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp tài sản hình thành trong thương lai, thế chấp tài sản chung của hộ gia đình… đều đang gặp trở ngại. Bên cạnh đó, các thủ tục liên quan trong giao dịch đảm bảo, như ủy quyền giao dịch, xác định tư cách ký hợp đồng, nội dung hợp đồng, hiệu lực của giao dịch đảm bảo, biện pháp thu giữ và giải chấp TSĐB… cũng đều đang gặp vướng mắc và được áp dụng không thống nhất, cần được chuẩn hóa.

Lùi thời hạn để tính toán chặt chẽ

Theo quan điểm của Cục Đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm (thuộc Bộ Tư pháp) mặc dù ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự thảo Nghị định thay thế NĐ 163, cơ quan soạn thảo đã có những báo cáo tổng kết và đánh giá mức độ ảnh hưởng khi ban hành văn bản mới. Trong đó, xác định rõ mục tiêu đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, và khắc phục tối đa những bất cập hiện hữu của NĐ 163. Tuy nhiên, do vấn đề pháp lý TSĐB liên quan trực tiếp đến “túi tiền” của DN và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý rủi ro và hiệu quả kinh doanh của các TCTD nên các quy định luật hóa trong Nghị định mới cần được lật đi lật lại thật sự chắc chắn và thấu đáo.

Để đảm bảo có đủ thời gian tham vấn, ghi nhận tất cả các góp ý từ các bộ ngành, đặc biệt là cộng đồng DN và các TCTD, Bộ Tư pháp đã thống nhất trình Chính phủ xin lùi thời hạn hoàn thiện dự thảo Nghị định đến cuối tháng 1/2017.

Theo ghi nhận của TBNH, đến thời điểm hiện tại, dự thảo Nghị định mới đã cơ bản đưa vào được những điều khoản phù hợp với pháp lý mới của Bộ luật Dân sự 2015. Các quy định pháp lý dự kiến đưa ra trong Nghị định mới được nhiều TCTD và chuyên gia kinh tế – luật nhìn nhận là sẽ xử lý được đa số các bất cập về giao dịch đảm bảo đã tồn tại hàng chục năm qua. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các vấn đề liên quan trực tiếp đến thu giữ tài sản, nhất là đối với các tài sản là bất động sản hình thành trong tương lai vẫn còn khiến nhiều TCTD tỏ ra nghi ngại.

Đại diện bộ phận pháp lý của một chi nhánh NHTM tại quận 3, TP.HCM cho rằng, khái niệm thu giữ và xử lý TSĐB hiện nay vẫn chưa thống nhất được cách hiểu. Các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hiện nay đưa ra 4 cách xử lý TSĐB là: bên thế chấp tự bán, bên nhận thế chấp tự nhận tài sản, hợp tác bán đấu giá và sử lý bằng cách thức khác. Tuy nhiên đối với những trường hợp TSĐB chưa hình thành thì không thể áp dụng cách nào trong 4 cách trên và hệ quả là các TCTD nhận đảm bảo rất rủi ro về vốn.

Ngoài ra, cũng theo một số TCTD, mặc dù dự thảo Nghị định mới thay thế NĐ 163 đã đưa vào nhiều quy định về phương thức xử lý TSĐB nhưng những quy định về trình tự, thủ tục để chuyển nhượng các TSĐB chưa đủ điều kiện chuyển nhượng (theo Luật Kinh doanh BĐS 2014) vẫn còn thiếu chặt chẽ và chưa thống nhất giữa các văn bản luật. Hoặc những trường hợp khá phổ biến trên thực tiễn hiện nay như bên đảm bảo bị phạt tù, bỏ trốn, mất tích cũng chưa có quy định rõ ràng và hướng dẫn thực hiện.

Vì vậy, để Nghị định mới thay thế NĐ 163 khi chính thức được ban hành thực sự trở thành văn bản pháp lý mang tính đột phá, giúp các giao dịch đảm bảo trở nên rõ ràng, minh bạch và an toàn với cả hệ thống TCTD và các đơn vị kinh tế thì dự thảo Nghị định cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng cầu thị hơn, đảm bảo ngoài việc nhất quán trong hệ thống pháp luật và tiện lợi trong quản lý Nhà nước thì mọi lợi ích của các bên liên quan như TCTD, DN, người dân đều được cân nhắc và tính toán.

Bình Thạch

—————-

Thời báo Ngân hàng (Tài chính – Tiền tệ) 13-01-2020:

https://thoibaonganhang.vn/co-hoi-chuan-hoa-giao-dich-dam-bao-97096.html

(160/1.330)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,865