(TTVN) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức, rà soát dữ liệu nguồn thu nhập đối tượng xe ôm, quán cóc vỉa hè là việc cần làm từ lâu để đảm bảo công bằng.
Người chạy xe ôm, bán hàng quán cóc lo lăng vì vào “tầm ngắm” của ngành thuế. Ảnh minh họa
Những ngày vừa qua, người kinh doanh vỉa hè quán cóc, kinh doanh tự phát hay lái xe ôm, xe lam lo lắng, thấp thỏm khi biết thông tin ngành thuế chú ý đến mình.
Cụ thể, Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố thường xuyên rà soát đảm bảo đầy đủ dữ liệu để có thể giải trình khi có yêu cầu về nhóm đối tượng kinh doanh này.
Chỉ đạo trên của Tổng cục Thuế ngay lập tức được báo chí quan tâm nhất là khi thuế lại là lĩnh vực nhạy cảm.
Mọi chuyện xuất phát từ con số thống kê chênh lệch, theo tính toán của Tổng cục Thống kê năm 2017, cả nước có hơn 4,3 triệu hộ kinh doanh. Sau khi loại trừ những người hoạt động tự do như xe ôm, xây dựng tư nhân, quán vỉa hè, chợ cóc thì còn lại 2,21 triệu hộ.
Tuy nhiên con số cơ quan thuế quản lý chỉ hơn 1,6 triệu hộ, nghĩa là thấp hơn thực tế gần 582 nghìn hộ. Chính vì số liệu thống kê chưa đầy đủ nên theo bà Tạ Thị Phương Lan – Vụ phó Vụ Quản lý Thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) chỉ nhằm mục đích đưa vào diện quản lý thường xuyên để nếu hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì cơ quan thuế mới ra thông báo nộp thuế.
Theo bà Lan với hộ kinh doanh quy mô nhỏ, doanh thu chỉ đủ bù đắp cuộc sống bản thân thì chưa đưa vào diện quản lý thuế.
Chuyện quản lý thất thoát thuế là việc cần làm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra thời điểm này đã là thích hợp để ngành thuế dồn lực lượng rà soát nhóm đối tượng hộ kinh doanh hay chưa?
Ngành thuế luôn kêu thiếu nhân lực vậy làm sao đủ con người để “chạy” theo từng người làm xe ôm, quán cóc vỉa hè …Nên chăng lúc này ngành thuế nên tập chung quản lý đối tượng chịu thuế sẵn có, khai thác tốt nguồn thu hơn là mở rộng thêm đối tượng chịu thuế, dẫn đến tốn nhiều công sức trong khi con số thu về chưa chắc đã cao.
Phân tích dưới góc nhìn chuyên gia pháp lý về kinh tế, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, trong chỉ đạo của Tổng cục Thuế có hai vấn đề khác nhau: Thứ nhất, vấn đề rà soát thu thập đầy đủ dữ liệu thu nhập của người kinh doanh, hộ kinh doanh nhỏ lẻ nhằm đảm bảo công bằng trong quản lý thuế là việc phải làm, đến nay mình mới làm là quá muộn, cần phải làm từ lâu rồi.
“Nếu không đặt ra thì không biết bao giờ làm được, vấn đề bây giờ phải có giải pháp, phải có phần mềm công cụ, công thức để quản lý. Đúng là hiện nay chuyện thuế doanh nghiệp có quá nhiều vấn đề từ thất thoát, tiêu cực, trốn thuế nói gì đến dạng hộ kinh doanh”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, thực tế có những hộ doanh thu một năm đến hàng trăm tỷ nhưng do quản lý chưa tới nên mỗi tháng chỉ đóng vài triệu đồng thuế.
Luật sư Đức cho rằng, vấn đề rà soát quản lý hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng giống như quản lý người lao động. Không phải chỉ người thu nhập 9 triệu mới cấp mã số thuế thu nhập. Về lý phải cấp 100%, đến khi phát sinh việc thu nhập, chi trả mới quản được.
“Người ta không có thu nhập thường xuyên nhưng trúng xổ số, nhận kiều hối, quà tặng, mua nhà bán nhà…đều phát sinh thu nhập, từ đó dẫn đến phải theo dõi, phải quản lý để nộp thuế.
Nguyên tắc đầu tiên là quản thông tin dữ liệu, quản lý để sẵn sàng chứ không phải nhằm mục đích thu ngay. Ví dụ dưới 9 triệu/tháng chắc không thu làm gì. Nhưng nếu không quản không ai biết thu nhập bao nhiêu.
Dù là chạy xe ôm, bán hàng lặt vặt vẫn phải có một dữ liệu để thống kê để phân loại quản lý: Đối tượng nào quản theo cách thức nào, ai phải nộp, ai phải thu, ai không phải thu”, Luật sư Đức nhấn mạnh.
Thứ hai, việc thu thập dữ liệu quản lý rất khó. “Những lo ngại có quản được không? Chi phí hiệu quả thế nào? Tiêu cực thất thoát ra sao, đúng là bài toán nan giải”, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết.
Theo Luật sư Đức phải xóa bỏ ngay lập tức hình thức hộ kinh doanh. Tồn tại hộ kinh doanh là một cái nhầm lẫn, sai lầm của nền kinh tế thị trường.
Trước đây chúng ta không thừa nhận kinh tế tư nhân nhưng sau rất nhiều lần sửa luật, sau khi tham gia kinh tế thị trường thì khuyến khích hết cỡ ai cũng có thể thành lập doanh nghiệp, không tiền, không trình độ…thuộc diện thông thoáng nhất thế giới.
“Nhưng để hộ kinh doanh lên doanh nghiệp như hiện nay thì không sống được. Thay vào đó phải chấp nhận một thời điểm doanh nghiệp siêu nhỏ, chấp nhận hóa đơn, chứng từ đơn giản sau đó nâng lên”, Luật sư Đức nói.
Hoàng Lâm/Sức Khỏe Cộng Đồng
Tin tức Việt Nam (Tài chính) 26-12-2018:
https://tintucvietnam.vn/chuyen-xe-om-quan-coc-vao-tam-ngam-cua-nganh-thue-can-lam-tu-lau-roi-54328
(587/1.020)