(ANTV) – Những khoản nợ xấu gia tăng đã kìm hãm đà tăng trưởng của các ngân hàng. Tháng cuối cùng trong năm 2018, VAMC cùng nhiều ngân hàng đang ráo riết bắt tay xử lý nợ, thanh lý tài sản bảo đảm, trong đó nhiều khoản nợ lớn được hạ giá hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên, với tài sản “khủng” rất khó để xử lý. Điều này đặt ra áp lực không nhỏ về câu chuyện xử lý nợ xấu, nguy cơ nợ phình to vào năm tiếp theo.
Điển hình, VAMC vừa thông báo sau 6 lần mời đấu giá khoản nợ của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với tổng dư nợ là gần 2.400 tỷ đồng tại BIDV Phú Tài. Giá khởi điểm được đưa ra lần này chỉ còn hơn 840 tỷ đồng, giảm 140 tỷ so với trước đó và giảm so với mức giá cao nhất từng đưa ra hơn 360 tỷ đồng.
Hay ngân hàng Agribank mới đây cũng đang chào bán khoản nợ xấu của Tập đoàn Đông Thiên Phú vay tại Agribank. Giá khởi điểm hơn 160 tỷ đồng, giảm tới 80 tỷ so với thông báo đấu giá hồi tháng 9.
Những khoản nợ này chủ yếu là tài sản bất động sản có giá trị lớn, sau nhiều lần “đại hạ giá” nhưng đến nay vẫn không ai mua…
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: Bán tài sản bảo đảm chỉ những khoản dễ, khoản nhỏ. Đến bây giờ thì rất nhiều tài sản lớn chưa biết nó đủ khoản vay hay không nhưng nó sẽ là khó xử lý và khó tìm thị trường. Người mua thì sử dụng vào việc gì? Có cho chuyển đổi mục đích hay không? Có hiệu quả hay không? Có nguồn vốn để mua hay không? Còn nếu cứ thực hiện đúng như quy định mới, chặt chẽ như một dự án mới, sản xuất kinh doanh mới thì cũng rất khó nhà đầu tư nào người ta chấp nhận.
Quý 3/2018, có 16 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,4%-1,3%, tùy ngân hàng. Nếu tính cả lượng nợ xấu vẫn “nằm” tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại đang còn ở mức cao khoảng 145.000 tỷ đồng. Thực tế này cho thấy, tiến trình xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng: Hiện tại cho đến thời điểm này, sau mấy năm hoạt động thì VAMC mới chỉ xử lý được đâu đó vào khoảng 10% của tổng dư nợ xấu mà VAMC đã mua lại từ các ngân hàng thương mại. Thành ra tổng số nợ xấu ở VAMC và các ngân hàng thương mại cộng chung lại thì còn rất lớn. Chính vì thế vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo khi mà tổng nợ xấu của cả hệ thống còn rất lớn.
Có thể thấy, để giảm giải quyết bài toán nợ xấu còn tồn đọng, nhiều ngân hàng dùng những biện pháp kỹ thuật xử lý chỉ để “làm đẹp” con số trong sổ sách. Về bản chất tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để. Có chăng, việc xử lý nợ xấu hiện nay mới chỉ là hình thức trao tay giữa các ngân hàng và VAMC để đổi lấy trái phiếu VAMC. Sau 5 năm, khi VAMC không bán được thì số nợ xấu này sẽ quay lại về với các ngân hàng.
Những khoản nợ xấu “lộ diện” sau thời kỳ tăng trưởng tín dụng “nóng” được coi như bài học lớn, đắt giá cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể của ngành ngân hàng trong năm 2018 không thể không nhìn rõ sự biến chuyển tích cực, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong công cuộc xây dựng Chính phủ kiến tạo của toàn hệ thống, vừa là cơ hội vừa là thách thức, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm 2019 đang được kỳ vọng sẽ đem lại chất lượng và đạt hiệu quả cao hơn nữa.
ANTV (Kinh tế) 31-12-2018:
http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/kinh-te/nganh-ngan-hang-trong-cuoc-dua-xu-ly-no-xau-262539.html
Xem video 3 lần thò thụt xuất hiện trong phóng sự từ phút thứ 7 – 13 trong Video 16 phút ngày 31-01-2018 tại đây: