(MTG) – Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, pháp luật về lao động chưa có quy định rõ ràng đối với trường hợp người lao động bị cách ly vì nghi nhiễm bệnh do đại dịch.
Luật Lao động chưa có quy định rõ ràng trong trường hợp nghỉ vì cách ly dịch bệnh – Ảnh: Internet
Sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán do chủng mới của coronavirus gây ra đang gây ra khiến nhiều người bị cách ly. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay pháp luật lại chưa có quy định về chế độ nghỉ đối với người bị cách ly vì nghi nhiễm bệnh. Điều này khiến cho giới doanh nghiệp, người sử dụng lao động và cả người lao động chưa biết nên giải quyết như thế nào.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, pháp luật về lao động chưa có quy định nào đối với trường hợp người lao động bị cách ly vì nghi nhiễm bệnh do đại dịch. Ngay trong cả Bộ luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực vào ngày 1.1.2021, cũng không được quy định trường hợp này.
Dịch bệnh như Corona là vấn đề chung của cả cộng đồng, tuy nhiên cũng chưa thực sự phù hợp với lý do ốm đau như Luật quy định, vì ốm đau có thể tạm thời xác định xin nghỉ trong thời gian nhất định, nhưng vấn đề cách ly vì bệnh dịch không phải là vấn đề một sớm một chiều có thể xác định. Về phía người sử dụng lao động, họ cũng không biết phải giải quyết như thế nào cho phù hợp với chế độ của người lao động.
Theo ông Hòa, trong trường hợp dịch bệnh như hiện nay, người sử dụng lao động cũng nên coi đây tương tự như người lao động bị ốm đau, không có lỗi, vì rõ ràng dịch bệnh là lí do khách quan. Người sử dụng lao động có thể trả lương một phần nào đấy để động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất cho người lao động trong hiện trạng dịch bệnh không ai mong muốn này.
Luật sư này cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Y tế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần cùng phối hợp ra văn bản hướng dẫn cụ thể về những quyền và lợi ích của người lao động đang bị cách ly vì bệnh dịch, đồng thời hướng dẫn người sử dụng lao động có những biện pháp hỗ trợ và giải quyết cho người lao động đang bị cách ly.
Cùng với đó, cơ quan có thẩm quyền nên quy định rõ ràng ai sẽ là người chịu trách nhiệm thanh toán các khoản về bảo hiểm, chế độ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương… Còn với những trường hợp người lao động cảm thấy không khỏe cần phải nghỉ ngơi đi khám (cách ly tự nguyện) thì người sử dụng lao động nên tạo điều kiện vì lợi ích cho chính mình và tất cả nhân viên khác.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, đối với người lao động bị cách ly, họ không biết mình nghỉ việc vì lý do gì, việc chung không phải, việc riêng cũng không phải, ốm đau bệnh tật không phải, nghĩa là hoàn toàn không có quy định, hướng dẫn cụ thể nào.
Về phía chủ doanh nghiệp, theo lý mà nói, họ có quyền sa thải người lao động vì nghỉ làm không có lý do. Tất nhiên, nếu chủ doanh nghiệp hành xử nhân đạo thì họ không đánh giá kỷ luật, không trừ lương hay sa thải người lao động. Nhưng đây là vấn đề thỏa thuận giữa hai bên.
“Tôi nghĩ chủ doanh nghiệp, trong trường hợp dịch bệnh như hiện nay, cũng nên coi đây tương tự như người lao động bị ốm đau, không có lỗi. Chủ doanh nghiệp có thể trả lương một phần nào đấy theo thỏa thuận hai bên”, ông Đức nói.
Trước đó, ngày 31.1.2020 vừa qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) đã ban hành công văn số 280/BHXH-CSYT về việc phối hợp thực hiện thanh toán chi phí điều trị nghi ngờ nhiễm coronavirus tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm coronavirus.
Theo đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện việc giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Bệnh nhân dương tính với coronavirus sẽ được điều trị miễn phí. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng sẽ thanh toán chi phí điều trị với trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.
BHXH các tỉnh, thành phố cần thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cơ sở nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT của quý 1/2020 đã được BHXH Việt Nam cấp đầy đủ.
Lam Thanh
————-
Một thế giới (Xã hội) 07-02-2020:
(160/908)